Sắc hoa tigôn của “Người đàn bà thép”

Chị sinh năm 1958 tại Vạn Niên, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Từ nhỏ, chị là một người yêu văn chương và từng mơ ước làm một cô giáo dạy văn, song, cuộc sống luôn có những thay đổi bất ngờ, chị lại vào ngành Công an Nhân dân. Dù thế, “cô cảnh sát” vẫn luôn mê đắm cõi văn chương thuở nhỏ, chị đã âm thầm cây bút để viết nên những vần thơ về người chiến sĩ trại giam, nơi mà chị âm thầm cống hiến và làm việc mấy chục năm nay. Chị đã cho ra mắt tập thơ đầu tay “Cô cảnh sát và sắc hoa tigôn”. Chị là Đại tá Phạm Mai Dựng(ảnh), Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cục Tham mưu, Chính trị, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII).

Trong ý nghĩ của tôi, chắc hẳn chị sẽ là một người phụ nữ rắn rỏi, nguyên tắc và… khó tính. Bởi chị làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý cả ngàn quân ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng gặp chị, trước mặt tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, có đôi mắt sâu thẳm. Một giọng nói vang và một nụ cười tươi đầy quyến rũ. Chị là người phụ nữ duyên dáng, tinh tế và lãng mạn với những giây phút thăng hoa sau bộn bề của công việc và cuộc sống.


Trong bài thơ viết tặng các đồng chí nữ cảnh sát trại giam “Đừng chê em” chị viết: “Anh cứ bảo là em vụng dại/ Chẳng biết chiều chồng, chẳng biết vỗ về con/ Anh cứ bảo là em khô cứng/ Chẳng biết nói ngọt ngào, chẳng biết làm thơ/ Chẳng biết làm duyên, chẳng biết “mốt” bao giờ/ Em là thế? Không, không phải em là thế/ Em cũng biết chia sẻ cùng anh/ những niềm vui và nỗi buồn/ Cũng “chia lửa” cùng anh trong “trận chiến âm thầm”/ Để giữ bình yên cho bao gia đình hạnh phúc…”… Chị Mai Dựng chia sẻ: “Khi mới vào ngành tôi mường tượng mình sẽ làm cô gái cảnh sát giao thông, đứng trên bục để phân luồng cho người và xe qua lại, nhưng khi vào trường lại được học nghiệp vụ trại giam. Lúc đầu không biết trại giam làm những công việc gì, sau khi được học mới biết mình làm nghề “Coi tù” nhiều bạn đã bỏ trốn và xin chuyển ngành. Nói thật với bạn, làm cảnh sát đã vất vả, cảnh sát trại giam còn vất vả hơn nhiều, nếu ai không biết chịu đựng gian khổ, không chịu thiệt thòi và không có bản lĩnh thì không thể đứng vững được. Đây là môi trường tôi luyện “chất thép” của con người. Bao nhiêu kẻ phạm tội ngoài xã hội đều dồn về đây, những chiến sỹ cảnh sát phải hàng ngày, hàng giờ giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề để sau khi hết án quay trở về với cộng đồng, họ là những người công dân biết tuân thủ pháp luật, có ích cho xã hội… Đấy, nghề nghiệp của chúng tôi là thế. Tôi đến với nghề rất vô tư, biết là gian khổ, khó khăn nhưng tôi không thấy sợ; ngược lại, tôi rất yêu ngành, yêu nghề và tự hào vì đã hơn 36 năm vững vàng trên trận tuyến này”.

Nghề nào cũng có cái vất vả riêng, nhưng dường như, những người nữ cảnh sát trại giam là những người chịu nhiều vất vả nhất. Phụ nữ chân yếu tay mềm, ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ họ còn là những người chiến sĩ quản lý phạm nhân ở những địa bàn xa trung tâm thành phố, xa ánh sáng đô thị. Thay vì điệu đà, nũng nịu, được “phái mạnh” chiều chuộng, thì các chị phải luôn bản lĩnh, cứng rắn và cương quyết với những mảnh đời tội lỗi, giúp họ cải tạo tốt để trở lại sống với cuộc đời lương thiện. Chị Mai Dựng, trong những chuyến đi ấy đã chia sẻ những đồng cảm của mình về sự vất vả của các chị em bằng những vần thơ đầy tâm trạng: “Chẳng có lúc nào thư thả ngắm sao đêm/ Trăng sáng buông lơi, sương nhẹ phủ êm đềm/ Nỗi nhớ con thơ cứ âm thầm sâu lắng/ Rừng xanh ơi! Ghi tình em sâu nặng/ Trách nhiệm này đâu phải của riêng ai?/ Biết em còn vất vả lắm em ơi/ Thương con học xa vì mình cần “cái chữ”/ Thương ba mẹ già những ngày trời trở gió/ Ba đau nhiều ai chăm sóc, ai trông?”…

Tôi hỏi chị Mai Dựng, cơ duyên nào đưa chị đến với thơ? Chị Dựng trầm ngâm trong giây lát rồi chia sẻ: “Tôi là học simh chuyên văn của trường cấp III Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Từ nhỏ tôi đã yêu thơ và rất thích làm thơ. Khi trưởng thành tôi làm một nghề đặc thù là Quản lý Trại giam. Dù nghề này thường dành cho đại đa số đàn ông, nhưng tôi yêu nghề, yêu công việc vì được chia sẻ với đồng đội những gian khổ, hy sinh để giữ yên bình cho cuộc sống. Mỗi miền tôi đến, mỗi người tôi gặp đều để lại ấn tượng trong tôi, và các bài thơ của tôi ra đời, được bạn bè, đồng nghiệp đón nhận, nhiều người còn thuộc cả bài đã gọi điện đọc lại cho tôi nghe. Tôi xúc động và cảm thấy việc làm của tôi thật có ý nghĩa, đó là động lực cho tôi viết”. Trong một bài thơ mới đây, lại thấy được nỗi lòng của người phụ nữ trước những ký ức đã qua: “Phú Yên ơi, em đến rồi đây/ Gặp “sóng mắt” sông Đà Rằng say sưa, dữ dội/ Và sừng sững giữa trời cao bốn mùa gió thổi/ Là núi Nhạn quê mình ngây ngất một niềm yêu/ Em đến quê anh vào một buổi chiều/ Có cái nắng dịu dàng và tình yêu bỏng cháy/ Người Phú Yên hồn hậu/ Biển Phú Yên trong xanh/ Trời Phú Yên long lanh, tản mạn mây bay/ Lang thang ngọn gió/ Yêu đắm say từng hàng cây ngọn cỏ/ Có hạt bụi nào vương vấn hồn ta?/ Hãy gọi tên nhau hỡi biển rộng bao la/ Hỡi sông Đà Rằng êm đềm sóng vỗ.../ Em gửi lại đây nỗi niềm nhung nhớ/ Chút giận, chút hờn...và một chút bâng khuâng/ Chút nuối tiếc khôn nguôi bởi “sóng mắt” say nồng/ Của núi Nhạn, sông Đà, của gió, của mây/... của... hạt bụi nào trên phố/ “Em đem theo về tình yêu và nỗi nhớ”/ Phú Yên- an bình sâu lắng hồn thơ”. Thơ của chị còn là nơi gửi gắm tấm lòng yêu quê hương, gia đình, chồng con. Trong bài thơ “Cây ổi” chị đã thực sự có những câu thơ đầy sâu lắng khi viết về quê hương: “Nhớ những ngày thơ bé xa quê/ Con đi học xa nhà, chỉ về quê vào những ngày chủ nhật/ Qua cổng nhỏ mùi ổi thơm ngan ngát/ Như có phép màu dẫn lối con đi/ Sau bao năm lưu lạc con về/ Đời lính dãi dầu nắng mưa, sương gió/ Vẫn cây ổi đứng đợi con đầu ngõ/ Như bóng cha già mong mỏi chờ con…/ Dù có đi đâu nhưng thương nhớ rất nhiều/ Hình ảnh quê hương giữa mùa ổi chín”.

Thơ của chị Phạm Mai Dựng không cầu kỳ bởi chữ nghĩa, không dụng công trong cách đi tìm vần điệu, cũng không làm dáng bởi những ngôn từ hoa mỹ. Thơ chị là những xúc cảm được lắng đọng trong tâm hồn người phụ nữ vốn đa cảm và tinh tế trong cách cảm nhận thiên nhiên, con người, để rồi sau những giây phút thăng hoa, chị đã có những câu thơ vụt sáng và xúc động, chia sẻ được cùng người đọc, cùng bè bạn, gia đình. Nói như lời những người bình chọn trong cuốn sách của chị: Suy tư của chị gieo tự nhiên trên cánh đồng chữ, không cầu kỳ, trau chuốt câu chữ, chứa đựng nồng nàn cảm xúc mà chị có được từ tháng năm công tác trong ngành Công an Quản lý trại giam, những yêu thương, những chia sẻ, nếm trải, những vất vả khó khăn mà mình và đồng đội đi qua… Tất cả đã dồn nén, đong đầy thành những trăn trở trong thơ của chị như lời tâm tình động viên bạn bè, đồng đội.

Trần Hoàng Thiên Kim

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN