Sẽ hoàn thành trùng tu Bia Quốc học Huế vào tháng 1/2017

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành trùng tu Bia Quốc học, một công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa và là địa điểm du lịch nổi tiếng của Huế. Công trình có tổng kinh phí đầu tư khoảng 700 triệu đồng, dự kiến thi công trong 3 tháng, hoàn thành vào tháng 1/2017.

Bia nằm bên bờ nam sông Hương, ngay trước Trường Quốc học Huế (Phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế), được xây dựng từ thời Pháp, là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bia được xây dựng thông qua cuộc thi lựa chọn kiến trúc với một hội đồng gồm 12 người, do viên Khâm sứ làm chủ tịch. Hội đồng đã chọn đồ án của tác giả Tôn Thất Sa, giáo viên Trường Bá Công Huế. Bia khánh thành ngày 18/9/1920, với sự có mặt của vua Khải Định, Thống chế Joseph Joffre.

Bia quốc học Huế, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ảnh: TTXVN

Bia Quốc học còn gắn liền với tên tuổi của Trường Quốc học Huế. Bia được xem là bức bình phong của trường và là một di tích khá nổi tiếng của xứ Huế. Đây còn là địa điểm tổ chức các buổi trình diễn áo dài (Fesstival Huế) hoặc làm sân khấu chính cho Fesstival Nghề truyền thống Huế vào các năm lẻ.

 

Trước khi được trùng tu, Bia Quốc học xuống cấp trầm trọng. Tường bao bên ngoài đã bị xóa sổ, bậc cầu thang đổ nát, nền móng tường bia bị đứt gãy, những hoa văn khắc trang trí của công trình bị hư hại không còn nguyên vẹn. Không chỉ vậy, hai cột đứng bên được xem là trụ biểu của bình phong cũng đã bị vỡ, rơi rụng lấn sâu vào thân cột. Phần trên một trụ biểu bị nứt và được níu giữ bằng những sợi dây thừng nhỏ, có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, một số quán cà phê bên bờ sông Hương lại chiếm dụng không gian của khu vực bia làm nơi bày bàn ghế, để xe cho khách. Khu vực này vào buổi tối còn là tụ điểm của tệ nạn hút, chích… gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như cảnh quan địa điểm du lịch của thành phố Huế. 

Quốc Việt (TTXVN)
Trùng tu Phu Văn Lâu - Cố đô Huế
Trùng tu Phu Văn Lâu - Cố đô Huế

Công trình có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng nhằm phục hồi nguyên trạng hệ khung gỗ và giàn mái, vách đố bản sơn vàng, cùng các hoạ tiết chạm khắc của di tích Phu Văn Lâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN