Spotify khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong ngành âm nhạc trực tuyến. |
Với con số ấn tượng trên, số người dùng trả phí của thương hiệu Thụy Điển đã gấp đôi con số của Apple Music, đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất của Spotify vào thời điểm hiện tại.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, Apple Music thông báo dịch vụ này có 27 triệu người dùng trả phí. Tuy nhiên, cũng không thể xem thường sức bật của Apple Music khi dịch vụ này đạt được con số trên trong vỏn vẹn 2 năm sau khi đi vào hoạt động.
Hồi tháng 6, Spotify từng cho biết dịch vụ của hãng có tổng cộng 140 triệu tài khoản đăng ký. Tuy nhiên, con số này bao gồm cả những người dùng không lựa chọn đóng phí và chỉ sử dụng những dịch vụ miễn phí.
Dịch vụ nhạc trực tuyến tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây và trở thành sân chơi cạnh tranh của nhiều tên tuổi tham vọng. "Trái táo cắn dở" Apple ra mắt Apple Music năm 2015 hay dịch vụ Tidal do nghệ sĩ da màu Jay Z "đỡ đầu" liên tiếp tung ra các sản phẩm độc quyền để lôi kéo người yêu nhạc.
Một số đối thủ cạnh tranh đáng kể khác bao gồm Deezer đặt trụ sở tại Paris (Pháp) với mức độ phủ sóng rộng tại thị trường châu Âu hay Rhapsody - người tiên phong trong làng nhạc trực tuyến tại Seattle, Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, thương hiệu Spotify của Thụy Điển vẫn được đánh giá cao với ưu điểm là dịch vụ dễ sử dụng và kho âm nhạc đa dạng. Dịch vụ này ra đời vào năm 2008 và cho tới nay đã có mặt tại 60 quốc gia.
Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trả phí, cho phép người dùng nghe không giới hạn các bài hát trên mạng Internet với một khoản phí trả hàng tháng, đã tăng trưởng mạnh trong nhiều năm trở lại đây, mang lại "sức bật mới" cho ngành công nghiệp âm nhạc đang trì trệ do sức tiêu thụ album kém.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ không "mặn mà" lắm với hình thức mới này, cho rằng chỉ một số ngôi sao hàng đầu với tầm ảnh hưởng lớn mới có thể thu lợi nhuận từ các dịch vụ nhạc trực tuyến.