Tại buổi họp mặt, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau cho biết, tại mảnh đất này, năm 1963, nhiều cán bộ tuyên truyền, thợ ảnh, thợ cơ khí được Khu ủy, Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ giao nhiệm vụ chụp nhiều hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dưới tán rừng đước Cà Mau, các văn nghệ sĩ đã đặt những viên gạch đầu tiên về Nhiếp ảnh - Điện ảnh Tây Nam Bộ.
Trong những năm chiến tranh gian khổ, Hàm Rồng là nơi những người chụp ảnh, quay phim cho ra đời những tác phẩm không thể nào quên như: phim “Một trận đánh tàu”, “Bệnh viện quân y dã chiến”… Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, 19 liệt sỹ là phóng viên, người làm công tác chiếu bóng của Cơ quan Nhiếp ảnh - Điện ảnh Tây Nam Bộ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nguyên cán bộ Nhiếp - Điện ảnh Tây Nam Bộ cho biết, tán rừng đước Cà Mau là “cái nôi” của nền Nhiếp ảnh - Điện ảnh khu vực Tây Nam Bộ. Năm 1962, hai đạo diễn Lê Châu và Trần Thanh Hùng từ vùng đất Cà Mau đã lên miền Đông xa xôi để học làm điện ảnh. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Nhiếp ảnh - Điện ảnh đã trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tuyên truyền phục vụ cách mạng.
Dịp này, Hội Điện ảnh Việt Nam đã trao quyết định về việc tách hai Chi hội Điện ảnh Cà Mau và Bạc Liêu. Nhiều năm qua, Chi hội Điện ảnh Cà Mau - Bạc Liêu đã quy tụ đông hội viên của hai tỉnh để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác.