Chọn kịch bản "Tất cả đều là con tôi” của nhà viết kịch Arthur Miller (nằm trong bộ sách “100 kiệt tác sân khấu thế giới” do NXB Sân khấu phát hành năm 2006) để dàn dựng đợt này, trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình “Đại sứ Văn hóa” mang tên “Nâng cao kỹ năng diễn xuất cho diễn viên trẻ và tiếp cận nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ qua một tác phẩm kịch nói của Arthur Miller”, quả thực Nhà hát Tuổi trẻ và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã muốn dành tặng cho khán giả Thủ đô một tác phẩm nghệ thuật có "đẳng cấp" vào dịp cuối năm này.
Một cảnh trong vở “Tất cả đều là con tôi”. Ảnh: CTV |
Tác giả kịch bản Arthur Miller, dịch giả Đặng Thế Bính, đạo diễn sân khấu Neil Simon Fleckman, trợ lý đạo diễn Sĩ Tiến - Như Lai; biên tập và chủ nhiệm chương trình PGĐ Trương Nhuận, chịu trách nhiệm biểu diễn GĐ – NSND Lê Hùng, diễn viên Lê Khanh, Quang Ánh, Tú Oanh, Ngọc Huyền, Thanh Dương, Tuấn Anh...; có vẻ như cả ê kíp của Nhà hát Tuổi trẻ đã được huy động cho vở diễn tầm vóc này. Và về phía Mỹ, một đạo diễn tài ba cũng đã trực tiếp sang để dàn dựng. Tất cả, nhằm mang tới cho vở diễn một sự hoàn hảo nhất có thể, như bật mí của một lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ.
Arthur Miller sinh ngày 17/10/1915 tại thành phố New York, trong một gia đình kinh doanh nhỏ gốc Do thái. Ông bắt đầu viết kịch khi còn là sinh viên. Ông tốt nghiệp Đại học năm 19, kiếm sống bằng cách viết kịch truyền thanh, làm nghề chào hàng.
Vở kịch “Tất cả đều là con tôi” (All my sons) được viết năm 1947. Trong vở kịch này, Arthur Miller đã công khai chống những bất công xã hội, chống phân biệt chủng tộc. Đây là một bi kịch gia đình, những quan hệ cá nhân chằng chịt và những tình huống tâm lý phức tạp từ đầu đến cuối vở kịch đã hội tụ vào một vấn đề đạo đức xã hội cơ bản của xã hội Mỹ: Xung đột giữa lương tâm và đồng tiền...
“Tất cả đều là con tôi” là câu chuyện về gia đình Joe Keller - chủ một xí nghiệp chế tạo bộ phận động cơ máy bay, vì chạy theo lợi nhuận, đã giao hàng kém chất lượng, làm nhiều phi công thiệt mạng. Khi việc bại lộ, Keller đã khéo léo đổ trách nhiệm cho bạn là Deever, và ông ta lại bình thản xây dựng cơ đồ riêng, trong lúc bạn ngồi tù. Con trai Deever là George biết điều đó, đến nói cho vợ Keller là Kate và con trai Keller là Chris biết, đồng thời George ngăn không cho em gái là Ann lấy Chris; tuy vậy Keller vẫn ngoan cố không nhận lỗi. Về chuyện riêng, Keller cũng bình chân như vại. Con trai ông ta là Larry, làm phi công, đã mất tích trong chiến tranh, nhưng Kelller yên trí rằng Larry không nằm trong số phi công chết do bàn tay mình, vì những chi tiết máy của xí nghiệp sản xuất chỉ dùng để lắp máy bay P.40, mà Larry thì lái loại máy bay khác. Nhưng rồi Keller được biết là Larry đã tự tử - “bay đi với ý định không trở lại” – sau khi phát hiện ra những tội lỗi của cha. Cuối cùng, Keller tự sát...
Arthur Miller là một nhà viết kịch lớn của nước Mỹ. Kịch của Arthur Miller rất đa dạng về đề tài và phương pháp, là kịch mang khuynh hướng rõ nét, nó làm sống lại truyền thống của một nền sân khấu có nội dung xã hội sâu sắc và chính các nhà phê bình Mỹ đã gắn tên tuổi Arthur Miller với tên tuổi các nhà viết kịch nổi tiếng của thế giới: Henrik Ibsen (Na Uy), nhà viết kịch Bernard Shaw (Anh) và nhà viết kịch Anton Tchekhov (Nga)… Vở kịch “Tất cả đều là con tôi” là tác phẩm sân khấu nổi tiếng đã được NXB Văn học dịch sang tiếng Việt từ năm 1973 và cũng từng được NSND Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công trên sân khấu kịch nói Việt Nam ngay đầu thập kỉ 70 của thế kỷ trước.
P.V