Tết cổ truyền đối với người Việt ta xưa nay vẫn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần lại bên nhau, kể cho nhau nghe về những gì đã qua của năm cũ và gửi đến nhau những lời chúc cho một năm mới may mắn, tốt đẹp…
Các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Với nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, Tết cũng là dịp trải nghiệm thú vị. Đặc biệt đối với người đã yêu con người, đất nước Việt Nam, kết hôn và gắn bó với mảnh đất hình chữ S này.
Hết cảnh một mình ăn mỳ tôm qua Tết
Chúng tôi về Bắc Ninh tìm gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan và anh Ahn Taeyoung (quốc tịch Hàn Quốc) trong một buổi chiều tháng Chạp. Đó cũng là lúc anh chị vừa trở về từ công ty sau một ngày dài làm việc.
Sống ở Việt Nam từ năm 2012, anh Ahn không ngại ngần chia sẻ: “Từ ngày kết hôn với Lan, mỗi dịp Tết đến, tôi không còn phải một mình ở ký túc xá ăn mỳ tôm nữa, mà được về quê vợ, quây quần bên gia đình , được bố mẹ vợ dạy cách gói bánh chưng, canh nồi luộc bánh, rồi gói giò nữa.. . Vui lắm!”
Tết cổ truyền ở Việt Nam cũng có nét tương đồng với Tết truyền thống ở Hàn Quốc nên phần nào giúp anh Ahn đỡ nhớ nhà hơn. Còn với gia đình chị Lan, kể từ khi có thành viên mới, ngày Tết cũng có đôi chút khác biệt, vừa giữ được nét truyền thống Việt Nam, lại vừa pha trộn các nét đặc trưng của Hàn Quốc.
“Ví như trước đây, khách tới chơi nhà trong 3 ngày Tết, người Việt thường phải mời cơm mời rượu mới được cho là lịch sự. Còn gia đình tôi chỉ làm cơm cúng vào ngày mồng 1 rồi đi chúc Tết tất cả họ hàng gia đình”, chị Lan cho hay.
Là một cô gái Bắc Giang, lại tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Pháp, ít ai có thể hình dung được rằng ngày hôm nay, chị Lan lại đang làm việc trong một công ty xây dựng của Hàn và kết hôn cùng với một anh chàng Hàn Quốc.
“Khi mới ra trường, tôi làm việc tại Hà Nội được 4 tháng thì có cô bạn rủ về công ty Hàn quốc ở Bắc Ninh làm. Sẵn có vốn ngoại ngữ 2 là tiếng Hàn thế là tôi về làm. Sau đó gần 1 năm thì anh cũng về làm việc tại công ty. Lúc mới gặp, tôi cũng chẳng để ý đâu. Sau không biết ai cứ gán ghép, trêu đùa rồi anh ấy nhắn tin mãi. Tôi còn chặn số cơ. Rồi anh ấy mang cả chocolate lên công ty tặng. Nhiều người thấy cứ trêu làm tôi xấu hổ lắm!”, nói đến đây hai vợ chồng lại quay sang nhìn nhau cười ngượng ngùng như đang hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày ấy.
Anh Ahn tủm tỉm nói: “Lúc đó vốn tiếng Hàn của Lan còn ít lắm mà chắc cũng thấy tôi hơi mập nên còn ngại ngùng.”
Sau đó, chị Lan nghỉ việc công ty để đi học tiếng H àn ở TP. Hồ Chí Minh nhưng hai người vẫn liên lạc với nhau. “Cuối cùng chỉ vì câu trêu hay là mình lấy nhau đi, quen nhau gần 4 năm người ta cưới hết rồi còn xót lại hai đứa mình thôi. Thế là quyết tâm bay về Bắc lấy nhau đấy!”, chị Lan nhớ lại.
Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tới đây, ngoài việc về quê ngoại thăm hỏi ông bà và các bác như mọi năm, anh chị dự định sẽ cùng gia đình đi du lịch Đà Nẵng để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thiên nhiên và thêm yêu những mảnh đất, con người Việt Nam.
Cố gắng hòa hợp là một nửa của nhau
Khác với anh Ahn Taeyoung, anh Cheron Frédéric (quốc tịch Pháp), chồng của chị Nguyễn Diệu Linh (Long Biên, Hà Nội), lại chưa từng ở Việt Nam trước khi kết hôn.
“Hồi còn ở Pháp, thấy cộng đồng người Việt tổ chức ăn mừng và làm lễ diễu hành ở Paris vào ngày Tết cổ truyền thì tôi cũng có đi xem thôi chứ không có cảm xúc gì đặc biệt . Có lẽ bởi khi ấy còn chưa gắn bó với một người đặc biệt ”, anh Cheron cho biết.
Nhớ lại 9 năm trước, khi lần đầu được cùng cả gia đình đón Tết Nguyên đán, anh Cheron kể: “Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên sau khi kết hôn cùng Linh, tôi không biết quá nhiều về Tết ở Việt Nam. Nhưng các thành viên trong gia đình, nhất là Linh, đã giải thích cho tôi về các phong tục thăm hỏi họ hàng , các món ăn truyền thống … Điều đó đã giúp tôi biết phải làm gì và không quá lúng túng”.
“Có lẽ, điều khiến tôi cảm thấy đặc biệt thú vị nhất ở Việt Nam chính là phong tục mừng tuổi đầu năm cho người già và trẻ nhỏ ”, anh Cheron chia sẻ mà khuôn mặt vẫn không giấu được những cảm xúc ngạc nhiên và thú vị. Bởi thông thường, ở các nước phương Tây, vào các ngày lễ như Giáng sinh hay Năm mới, những người trong gia đình bbthường tặng nhau những món quà may mắn.
Là con một trong gia đình, do đó, chị Linh luôn muốn ở bên cha mẹ trong những kỳ nghỉ lễ dài ngày như thế này: “Kết hôn được 9 năm rồi và năm nào chúng tôi cũng đón Tết cổ truyền tại Việt Nam cùng bố mẹ tôi. Thông thường, tối 30 Tết, cả gia đình tới nhà cụ nội cùng ăn bữa cơm tất niên tiễn biệt năm cũ. Sang ngày mùng 1, mùng 2, các thành viên lại cùng nhau tới chúc tết họ hàng. Mùng 3, chúng tôi dành thời gian cho bạn bè, hàng xóm…”
Khi được hỏi về những khác biệt trong gia đình khi có các thành viên đến từ các nền văn hóa khác nhau, chị Linh cho biết: “Tuy hai nền văn hóa khác nhau nhưng anh ấy rất cố gắng hòa nhập nên trong gia đình dường như không có sự thay đổi nào quá đặc biệt so với trước kia, khi tôi chưa kết hôn”.
Quen nhau qua một người bạn trong lần anh Cheron tới Việt Nam du lịch hồi năm 2006, rồi “yêu xa” trong hơn một năm với không ít những khó khăn, cấm cản từ phía gia đình. Nhưng như duyên tiền định, anh chị cũng đi tới hôn nhân vào tháng 10/2007 rồi lần lượt chào đón hai thành viên bé nhỏ vào năm 2008 và 2010.
Không khí Tết đã đến. Từ trong những làn gió se lạnh mang theo hơi nước ẩm ướt của mùa xuân, từ những cánh hoa đào đua nhau khoe sắc thắm, từ gian bếp nhỏ xinh phảng phất hương bánh chưng… đến cả bản nhạc Tết rộn ràng mà hai đứa trẻ nhà chị Linh và anh Cheron đang đàn đây nữa.