Tháp Chăm giữa lòng Làng Văn hóa

Với diện tích 4.000 m2, khu đền tháp Chăm được xây dựng tại khu Làng III của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là điểm nhấn ấn tượng, với lối kiến trúc mô phỏng theo tổng thể nhóm tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận). Công trình kiến trúc đặc biệt này đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay.


Quần thể tháp Chăm tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 

Được khởi công xây dựng từ năm 2008, nằm trong dự án Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu đền tháp Chăm là biểu tượng của nền văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm. Tháp Chăm tại đây được xây dựng theo nguyên mẫu với tháp Po Klong Garai Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1, bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20 m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8 m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9 m. Tháp trung tâm được xây bằng gạch, có bốn mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía đông, có cửa ra vào, ba mặt còn lại ở 3 hướng và có 3 cửa giả. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Tất cả thành phần kiến trúc đi vào mảng khối, vòm cửa thu vào và vút cao hình mũi giáo. Trên mặt tường các trụ ốp được tạo với những đường gờ nổi chạy dọc thân tường tháp, các góc được tạo những phiến đá điểm cách điệu. Tất cả đều đúng như nguyên mẫu của tháp ở Ninh Thuận.


Nhóm tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) - là nhóm tháp được xây dựng từ cuối thế kỷ 13 và hoàn thành vào đầu thế kỷ 14, thờ vua Po Klong Garai . Poklongarai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua Sinhavarman III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì từ năm 1152 đến 1205 và đây là vị vua có công lớn đối với vùng đất này.

Không chỉ đảm bảo chuẩn về kiến trúc và kích thước so với nguyên mẫu, từ chất liệu đến cách làm và quy trình xây dựng tháp đều rất công phu và “không sai một ly” so với tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận. Thậm chí, để thực hiện công trình còn phải tuyển lựa thợ, nghệ nhân có tay nghề cao tại chính vùng Ninh Thuận trực tiếp thi công, góp ý, theo dõi và xây dựng. Mang kiến trúc, văn hóa của một vùng đến một vùng khác không hề đơn giản. “Cái khó nhất của việc thi công là xây dựng quần thể đền, tháp trong môi trường thời tiết ẩm ướt của miền Bắc, cho nên tốn rất nhiều thời gian”, đại diện Ban quản lý Làng cho biết.


Theo lời kể của những người thợ trực tiếp tham gia xây dựng, độc đáo nhất là phương pháp xây dựng tháp. Tháp không phải được dựng lên một cách thông thường mà sử dụng phương pháp mài chập, nghĩa là dùng hai viên gạch mài nhẵn sau đó ghép gạch lại với nhau. Việc ghép này khá tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian. Chất liệu kết dính những viên gạch với nhau cũng là một điểm đặc biệt. Chất liệu kết dính này là một loại tinh dầu được chiết xuất từ cây Dầu Rái, một loại cây chỉ có thể tìm thấy ở xung quanh khu Mỹ Sơn. “Vì dùng chất kết dính đặc biệt này nên chúng tôi không thể làm vào những ngày mưa, có những đợt mưa ròng rã chúng tôi phải nghỉ cả nửa tháng trời, khi nào thời tiết thật sự khô ráo mới có thể làm tiếp được”, một người thợ chia sẻ.


Tháp Chăm là không gian đặc biệt linh thiêng đối với người Chăm. Bởi vậy công trình tháp Chăm xây dựng tại Làng Việt có một ý nghĩa rất quan trọng với đồng bào dân tộc Chăm khi ra sinh hoạt tại Làng. Nó cũng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ một nét văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm vùng Nam Trung bộ.

Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN