Tuy nhiên, để sự “hồi sinh” ấy thực sự bền vững, các đơn vị nghệ thuật cần có những thay đổi trong tư duy làm nghệ thuật, để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hay, có chất lượng và “chạm” được đến trái tim khán giả.
Những tín hiệu vui
Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị sáng đèn đầu tiên sau đại dịch COVID-19 với đêm diễn đầu tiên vào tối 23/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với vở “Bệnh sỹ” và vở “Điều còn lại” vào tối 30/5. Khán giả kín rạp, sau đó rất nhiều khán giả đã liên hệ với Nhà hát, bày tỏ mong muốn được xem lại vở “Bệnh sỹ”. Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức thêm những đêm công diễn để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Tiếp sau đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đánh dấu sự trở lại với khán giả bằng vở xiếc “Cướp biển 2020”, chương trình đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phụ huynh và nhiều em nhỏ. Nhà hát Tuổi trẻ kéo khán giả đến rạp với loạt chương trình trong dự án “Bay lên những ước mơ”, mang tới cho các em thiếu nhi những trải nghiệm lý thú, bổ ích với 3 chương trình: Kịch vui thiếu nhi “Vaxilixa và phù thủy độc ác”, nhạc kịch thiếu nhi “Cuộc chiến vô cực” và ca múa nhạc – kịch vui “Trống Choai đi đâu thế…?”.
Nhà hát Múa rối Việt Nam gây bất ngờ với vở “Thân phận nàng Kiều”, khi lần đầu tiên đưa kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu múa rối, với những sáng tạo và thử nghiệm mới đầy tính đột phá, mang tới những giá trị mới mẻ cho nghệ thuật múa rối và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Nhà hát Tuồng Việt Nam với vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân” cũng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả, khi rạp Hồng Hà không còn một chỗ trống. Đặc biệt, bên cạnh những khán giả lớn tuổi, còn có rất nhiều người trẻ tuổi đến thưởng thức bộ môn nghệ thuật vốn “kén” khán giả này.
Vào ngày 11/7 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Cải Lương Việt Nam sẽ biểu diễn vở "Chuyện tình Khau Vai" với sự kết hợp của nghệ sỹ cải lương hai miền Nam - Bắc với các nghệ sỹ nổi tiếng, hứa hẹn mang đến cho công chúng Thủ đô một vở diễn đặc sắc, hấp dẫn.
Không chỉ các nhà hát công, sân khấu xã hội hóa cũng mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị sau đại dịch. Sân khấu Lệ Ngọc sau nhiều ngày liên tiếp sáng đèn với vở “Cây tre thần” phục vụ khán giả phía Bắc, đã mạnh dạn “Nam tiến” để phục vụ khán giả trong Thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây, vở Ballet Kiều của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) và Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam phối hợp dàn dựng, trước 10 ngày công diễn (20/6) vở Ballet Kiều đã “cháy vé”. Ngay trong buổi ra mắt đầu tiên, vở diễn đã nhận được đánh giá cao của công chúng và những người trong nghề. Với góc nhìn, tư duy sáng tạo, dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại, với sự hòa trộn uyển chuyển, nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, với sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách bán cổ điển với âm điệu dân gian, dân tộc Việt Nam, cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ… vở Ballet Kiều đã tạo được ấn tượng, mang đến nhiều cảm xúc cho người thưởng thức.
Và dù đêm diễn thứ 2 phải đến ngày 23/7 mới diễn ra, nhưng toàn bộ vé đã bán hết chỉ trong 3 ngày sau đêm diễn đầu tiên. Vé cho đêm diễn tại Hà Nội vào ngày 14/8 cũng đã được bán gần hết. Hội Việt - Mỹ đã đặt hàng một buổi diễn riêng…
Nâng chất lượng để hút khán giả
Có thể nói, sự trở lại thành công của sân khấu Việt sau dịch COVID-19 là những tín hiệu vui, đầy lạc quan cho sự phát triển của sân khấu nước nhà, cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và của ngành văn hóa.
Một trong những “cú hích” lớn đối với sân khấu sau mùa giãn cách chính là sự vào cuộc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi yêu cầu 12 nhà hát trực thuộc Bộ phải đồng loạt triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau đại dịch. Để góp phần hỗ trợ sân khấu “hồi sinh” sau đại dịch, Bộ cũng đã có những chính sách hỗ trợ tổ chức biểu diễn một số buổi cho các nhà hát để giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt. Chiến dịch “ra quân” đồng loạt của 12 nhà hát trực thuộc Bộ với một lịch trình biểu diễn và kịch mục được chọn lọc có chất lượng cao mang lại hiệu quả tích cực, khiến sân khấu trở nên sôi động, nghệ sỹ hào hứng biểu diễn, khán giả háo hức đi xem. Có thể nói, đây là “cú hích” lớn đối với cả những người làm nghệ thuật và những người thưởng thức nghệ thuật.
Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, không chỉ với 12 nhà hát của Bộ, ngay sau khi hết giãn cách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng khởi động và nhập cuộc trở lại, trước tiên là xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, chào mừng những ngày lễ lớn. Đến nay, nhiều đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc đã khởi động trở lại sàn diễn để tập trung xây dựng các chương trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp phối hợp với các địa phương để tham gia biểu diễn cùng với những hoạt động du lịch, tạo nên những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, như tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Gala Xiếc ba miền 2020, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, sau mùa đại dịch, các nhà hát đều lâm vào tình trạng khó khăn chung. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công nhân viên, các kế hoạch hoạt động nghệ thuật cũng bị đảo lộn, nhiều chương trình bị chậm tiến độ. Vì vậy, sự sáng đèn trở lại của các rạp hát là động lực lớn đối với các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ, đồng thời đây cũng là dịp để các nhà hát “lắng nghe” khán giả chia sẻ về kỳ vọng của họ đối với sản phẩm nghệ thuật, để từ đó tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu thu hút khán giả đến rạp, giữ chân khán giả một cách dài hơi.
Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên cho rằng, sau đại dịch, rõ ràng đời sống xã hội đã có một vài thay đổi, cả trong tư duy, cách sống, cách nghĩ của mỗi con người. Có lẽ tất cả sẽ trân trọng hơn những gì mình đang có. Người dân Việt Nam sau đại dịch dường như thêm tin, yêu và tự hào về dân tộc mình, đất nước mình. Từ đây, tình cảm của mọi người đối với truyền thống văn hóa dân tộc cũng sẽ trở nên sâu đậm hơn. Đây cũng chính là cơ hội cho sân khấu Việt hồi sinh, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, trong đó có Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Tuy nhiên, Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên cũng khẳng định, muốn “tranh thủ” được tình cảm của khán giả, muốn được công chúng ghi nhận và đến rạp thì các tác phẩm nghệ thuật phải có chất lượng cao, phải được đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng, tâm huyết... có như vậy mới “giữ” được khán giả ở lại với sân khấu một cách lâu dài.
Trong cuộc làm việc với các nhà hát, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh: Con đường duy nhất để sinh tồn của nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường chính là các đơn vị nghệ thuật phải xây dựng thương hiệu riêng bằng chất lượng nghệ thuật và được đánh giá bằng thước đo từ khán giả. Và có lẽ, đợt giãn cách bởi đại dịch COVID-19 lần này cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ có một “khoảng lặng” cần thiết để nhìn lại chính mình, thay đổi tư duy làm nghệ thuật, đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp hơn, hấp dẫn và hiện đại hơn… để làm nên những tác phẩm nghệ thuật hay, có chất lượng và “chạm” được đến trái tim khán giả.