(Tin tức) - Ngày 18/11/2010, Nhà hát Múa rối Thăng Long khai trương cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt với 1.000 con rối nước của nhóm tác giả: Hoàng Tuấn, Đắc Được, Chu Lượng, Đăng Tiến tại nhà hát – 57B Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Việc mở rộng không gian nghệ thuật cho rối nước không chỉ sân khấu nước mà cả trên cạn là một bước đột phá mới trong việc tiếp cận và đưa nghệ thuật rối nước dân gian đến gần với công chúng.
Rối nước lên cạn
Những con rối được sắp đặt trong triển lãm. |
Họa sĩ tạo hình – nghệ sĩ Chu Lượng cho biết: “Trước đây, mọi người biết đến nghệ thuật rối nước bằng các trò diễn và nhà thủy đình rối nước. Những yếu tố đó đã có lực hút riêng với khán giả. Nhưng sau quá trình nghiên cứu thể nghiệm và sưu tầm, tôi muốn đem đến cho người xem một cái nhìn mới, một cảm xúc mới, một tư duy mới về thế giới của nghệ thuật rối nước. Khán giả sẽ được trở về với không gian của làng quê Việt Nam qua việc tạo hình các con rối trong các ý tưởng của nghệ thuật sắp đặt”.
Năm 2007, nghệ sĩ Chu Lượng đã ra mắt bộ sưu tập hơn 1.000 con rối tại cuộc triển lãm mang tên “Nhân gian” và được sự đón nhận nồng nhiệt của người xem trong nước, sau đó trưng bày tại Mỹ và cũng đã tạo được dấu ấn đẹp về nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Từ đó tới nay, ông và Ban giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long đã ôm ấp ý tưởng tạo nên một không gian sắp đặt các con rối tại nhà hát.
Bộ sưu tập 1.000 con rối là kết quả của 20 năm Chu Lượng đi khắp các làng quê Bắc bộ sưu tầm rối và các tích trò. 1.000 con rối được sáng tạo bằng phong cách nghệ thuật tạo hình riêng biệt và sắp đặt cùng với nhiều vật dụng và sản vật nông nghiệp Việt Nam nhằm nghệ thuật hóa đời sống của con người Việt Nam. Mỗi con rối đều biểu hiện rất sống động, đều có tình cảm, sắc thái riêng: Một người nông dân được mùa với nụ cười rạng rỡ, một bà mẹ ngồi đợi con với đôi mắt buồn xa xăm… Có con rối hiện lên từ câu chuyện cổ tích như công chúa, tiên nữ, và có con rối hiện lên từ những sinh hoạt đời thường ở nông thôn như: Cày cấy, mò cua, bắt ốc, đánh vật, gánh nước, trâu bò, chim cá đến trạng nguyên vinh quy bái tổ… 1.000 con rối nước sẽ được thể hiện với nhiều chủ đề khác nhau và nghệ thuật tạo hình khác nhau được sắp đặt tạo nên một không gian hiện thực và kỳ ảo, làm nổi bật tính văn hóa của nền văn minh lúa nước. Bộ sưu tập sẽ được trưng bày theo nhiều chủ đề riêng với từng không gian nhỏ như: Văn hóa tâm linh, rằm tháng bẩy xá tội vong nhân, vinh quy bái tổ, lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm…
Đưa rối đến gần công chúng
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Giá vé xem biểu diễn vẫn thế nhưng khán giả sẽ được thưởng thức nhiều hình thức nghệ thuật dân tộc khi bước vào một không gian ngập tràn các con rối nước và các làn điệu hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Chắc chắn không chỉ khán giả nước ngoài, mà các khán giả trong nước cũng sẽ rất thích thú khi bước vào nhà hát. Khán giả sẽ được tận tay sờ vào các con rối, được nghe giới thiệu và tự tay điều khiển, được hòa mình trong các làn điệu hòa tấu âm nhạc dân tộc, nghe các làn điệu chèo cổ, dân ca quan họ…”.
Những tìm tòi sáng tạo từ cách mở rộng không gian cho rối nước, xây dựng những trò rối nước mới của Ban giám đốc và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đưa nghệ thuật rối nước hòa nhập với cơ chế thị trường và hội nhập với thế giới rất đáng được ghi nhận và trân trọng.
Ngọc Dao