“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - Di sản văn hóa tâm linh của người Việt

Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” có từ xa xưa, đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý “Con người có tổ có tông”. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc, đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Ngàn năm tri ân công đức tổ tiên

Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và cả những ngày khác trong năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng niệm Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên trong dựng nước và giữ nước.

Đối với cộng đồng cư dân các làng xung quanh đền Hùng, Hùng Vương còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn hiển hiện đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hiện nay. Người Việt coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Đoàn dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


Trong thời gian gần đây, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng được nâng cao và phát huy giá trị. Riêng ở tỉnh Phú Thọ, trong số 181 đền, đình, miếu có liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và những mỹ tự như Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Ất Sơn Thánh Vương, theo kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có khoảng 20% là phế tích do thời gian, chiến tranh, khí hậu, thì cộng đồng đều có nguyện vọng xây dựng lại và khôi phục lễ hội, tế lễ liên quan.

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Có nhiều làng đã tự nguyện đóng góp tiền, công sức để phục dựng các cơ sở thờ tự, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của mình. Ở một số làng, các bậc cao niên đã tự sưu tầm, biên soạn hoặc biên dịch các truyền thuyết và các thư tịch khác liên quan đến Hùng Vương cung cấp cho các nhà nghiên cứu và cán bộ kiểm kê di sản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng một “trạm vệ tinh” của Ngân hàng dữ liệu tại đền Hùng phục vụ cho việc tư liệu hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, đồng thời phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước...

Di sản cần được bảo vệ và phát huy

Tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đó ngoài việc xây dựng hồ sơ, tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” như: Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ, cập nhật hàng năm; mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; lập danh sách những người thực hành tín ngưỡng thờ các vua Hùng ở các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng. Đồng thời bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ... Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học...

Ông Nguyễn Xuân Các – Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” thông qua việc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức một cách trọng thể trang nghiêm vì mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; xây dựng một xã hội có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, biết ơn các vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục củng cố hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Tỉnh Phú Thọ đã lập đề án, kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng dẫn của UNESCO 2 đợt, tư liệu hóa tư liệu sưu tầm tại 226 địa điểm thờ Hùng Vương trong tỉnh... Tỉnh cũng tổ chức thành công Hội thảo "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam", quy tụ hơn 400 học giả đến từ Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc... và gần 100 nhà khoa học trong nước trao đổi về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên.

Tạ Toàn - Tuyết Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN