Ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều cô, chú cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia các phong trào học sinh sinh viên năm xưa đã cùng nhau giao lưu văn hóa văn nghệ tại hai khu vực sân khấu A và sân khấu B của Đường sách với 2 chủ đề “Hát cho đồng bào tôi nghe” và “Nuôi con khôn mai này giữ nước”. Tại hai không gian này, các cô chú đã cùng nhau sống lại thời tuổi trẻ hào hùng, mãnh liệt khi tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) trước năm 1975.
Có mặt tại buổi gặp mặt, ông Lâm Thành Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phóng viên du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đã rất lâu rồi những cựu học sinh, sinh viên từng tham gia các phong trào đấu tranh đòi độc lập, tự do trước năm 1975 mới được gặp nhau. Mặc dù, người còn người mất nhưng khi nhìn thấy nhau, những kỉ niệm của một thời đấu tranh sôi nổi đòi quyền tự do cho dân tộc, cho sinh viên lại ùa về. Khi nhìn bức ảnh trong không gian triển lãm có nói về khu vực trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Đại học Dược và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh khiến tôi nhớ lại đây là khu “tam giác sắt” Nông Lâm Súc - Văn khoa - Dược khoa. Đây là khu vực bị chính quyền Sài Gòn khi đó phong tỏa gắt gao khi ở đây có phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên phát triển mạnh mẽ".
Sau chương trình ôn lại kỉ niệm của các cựu học sinh, sinh viên Sài Gòn trước 1975, Ban tổ chức cũng đã ra mắt sách “Chúng ta đòi hòa bình: Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn (1969 - 1975)” để giao lưu với người trong cuộc, các chứng nhân lịch sử, tác giả để hiểu thêm về phong trào đấu tranh năm xưa của các học sinh, sinh viên Sài Gòn trước năm 1975.
Theo ông Huỳnh Tấn Mẫm, nội dung cuốn sách “Chúng ta đòi hòa bình: Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn (1969 – 1975)” tập trung khắc hoạ lại hồi ức từ những thành viên nòng cốt trong phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh ở Sài Gòn giai đoạn 1969 - 1975. Đây là một giai đoạn hào hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, một trang trong lịch sử dân tộc và ở đó những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết đã sống hết mình cho lý tưởng cách mạng, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc...
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là cuốn sách viết về hồi ức tập thể của những thành viên như anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Sài Gòn (1969 - 1971), chị Nguyễn Thị Yến, Thủ quỹ Tổng Hội sinh viên Sài Gòn (1969 - 1971), anh Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng Đoàn học sinh Sài Gòn (1970 - 1971), anh Lê Hoàng - Đoàn trưởng Đoàn học sinh Sài Gòn (1971 - 1974) và nhiều góp ý, hỗ trợ từ các anh, chị: Nguyễn Hoàng Trúc, Tôn Thất Lập, Vũ Thị Dung, Phan Nguyệt Quờn, Cao Thị Quế Hương, Ngô Đa, Trương Anh Dũng, Nguyễn Văn Vĩnh, Lâm Thành Quý, Lê Ngọc Tú...