Theo đại diện UBND TP Thủ Đức, để hưởng ứng chương trình trồng cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, thành phố Thủ Đức phấn đấu hoàn thành 1 triệu cây xanh trên địa bàn vào năm 2025, đồng thời thực hiện Đề án “Vườn cây quà tặng”.
Đại diện UBND TP Thủ Đức cho biết, đơn vị phối hợp Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc trồng cây tại 3 khu vực quy hoạch, gồm: Khu vườn cây hữu nghị, khu vườn hoa nhiệt đới, khu bảo tàng lịch sử tự nhiên, với quy mô gần 40 ha.
Tổng số cây trồng là 260 cây xanh, từ 3 năm tuổi trở lên, trong đó có nhiều hệ cây quý như lim xanh, sao đen... Sau đó, Ban tổ chức sẽ trồng bổ sung 4.500 cây hoa kiểng. Dự kiến, đến năm 2025 - nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP Thủ Đức sẽ hoàn thành 40 ha vườn cây trong Công viên lịch sử Văn hóa Dân tộc theo phương thức xã hội hóa.
*Cũng trong sáng 19/5, tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Ủy ban Ngưởi Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Chương trình nhằm tuyên truyền về ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng đến người Việt Nam ở nước ngoài, thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố, qua đó thể hiện tình cảm yêu thương, tôn kính của người Việt Nam ở nước ngoài đối với Bác Hồ kính yêu.
Tại lễ phát động, 40 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã trồng 200 cây giáng hương, kinh phí trồng cây đều do tấm lòng của các cá nhân tự nguyện đóng góp.
Bà Đinh Thị Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh chia sẻ, lúc sinh thời, Bác luôn kêu gọi, căn dặn phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững. Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”. Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Ngày nay, phong trào “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.