Trong lần trưng bày này, Bảo tàng đã lựa chọn ra 152 hiện vật gồm cả mỹ thuật cổ và mỹ thuật hiện đại.
Ở nhóm hiện vật mỹ thuật cổ, 49 tác phẩm trong chuyên đề được lựa chọn từ Bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam, nhằm giới thiệu đến công chúng các hiện vật phong phú về hình thức và đa dạng màu men, kiểu thức hoa văn từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX. Đó là những tác phẩm gốm gia dụng, gốm được tạo tác phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và gốm trang trí; biểu vật văn hóa Việt Nam, sức sống nghệ thuật gốm qua nhiều thời kỳ.
Ở nhóm hiện vật mỹ thuật hiện đại, bên cạnh 6 tác phẩm điêu khắc chất liệu gốm, đồng, gỗ, Bảo tàng còn trưng bày 73 tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước… và 24 ký họa, phác thảo được sáng tác từ năm 1939 đến 2021. Đây đều là các tác phẩm đặc sắc như “Hoa tàn trên ghế tre”, “Thu sắc”, “Không gian”… của những nghệ sĩ có tên tuổi trong lĩnh vực mỹ thuật như Lê Thị Kim Bạch, Lưu Công Nhân, Lê Bá Đảng, Trương Hán Minh…
Trưng bày lần này còn có các tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ với những phong cách sáng tác mới, táo bạo, góp phần làm đa dạng, đa chiều cho hoạt động mỹ thuật Việt Nam, như: Mạc Hoàng Thượng với tác phẩm“Vươn tới mặt trời”, Bùi Duy Khánh với “Bến bình yên”, Lâm Chí Trung “Trị An mùa khô”…
Tại buổi lễ, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chuyên đề “Những tác phẩm mỹ thuật trong sưu tập của Bảo tàng” được thực hiện nhằm giới thiệu đến công chúng một phần di sản mà Bảo tàng đã sưu tầm, gìn giữ trong 35 năm qua. Dù là tác phẩm mới sáng tác hay hiện vật lâu đời đều có giá trị kết nối với nhau, diễn tả sự chuyển động của dòng chảy văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đây là minh chứng cho tư duy, nhận thức, mỹ quan của những người đi trước và đương thời.