TP Hồ Chí Minh: Xây dựng, hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ khi còn nhỏ

Ngày 22/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ. Đây là trong những hoạt động chính của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham gia tọa đàm chia sẻ nhiều kinh nghiệm để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ. 

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc - Tổng biên tập của Nhà xuất bản Trẻ cho biết, bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần phải đọc và việc đọc nên bắt đầu tư khi còn bé, phải luôn được duy trì trong suốt cuộc đời không ngừng nghỉ. Lâu nay, chúng ta có quan niệm chỉ đọc khi trẻ biết đọc nhưng việc đọc phải được tiếp cận ngay cả khi trẻ chưa biết đọc thông qua việc người lớn đọc sách cho trẻ nghe. Thực tế, từ xưa những lời ru, câu hò mà ông bà, cha mẹ ru con cũng chính là việc đọc cho trẻ nghe, giúp những đứa trẻ ấy được tiếp cận việc đọc từ rất sớm.

Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, qua cuộc khảo sát với hơn 1.600 học sinh, sinh viên cho thấy, phần lớn các em nhận thức rằng việc đọc sách rất hữu ích. Các em học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở cho rằng yếu tố ảnh hưởng nhất với các em trong việc hình thành thói quen đọc sách chính là gia đình. Còn với lứa tuổi học sinh bậc trung học phổ thông, thầy cô và bạn bè chính là những người tác động tới thói quen đọc của các em.

Khảo sát này cũng cho thấy, vai trò của gia đình và nhà trường đều rất quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy thói quen đọc sách ở trẻ. Vì thế, nếu gia đình và nhà trường có sự quan tâm đúng mức tới việc đọc của trẻ thì trong tương lai, việc phát triển văn hóa đọc sẽ được như kỳ vọng, sức đọc của người Việt Nam sẽ được từng bước nâng lên chứ không dừng ở mức 6 bản sách/người/năm như hiện nay.

“Theo đó, để phát triển văn hóa đọc ở các em thiếu nhi, chúng ta phải dựa trên nhu cầu, sở thích, tâm lý của mỗi người. Vì thế, trong việc đọc và chọn sách, người lớn không thể áp đặt với trẻ mà cần định hướng để các em chọn đọc sách theo đúng nhu cầu, sở thích của bản thân trẻ”, bà Quách Thu Nguyệt cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Đại diện BTC trao giải cho các em học sinh đạt giải trong hai hội thi. 

Tương tự, tác giả Trung Nghĩa là một 10 gương mặt Đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024 của TP Hồ Chí Minh cho biết, đọc sách cần được hình thành và trở thành thói quen từ khi còn rất nhỏ, ngay cả khi một đứa trẻ chưa biết nói. Trong đó, gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc, từ việc khơi gợi đam mê với sách đến việc định hướng chọn đọc sách phù hợp với nhu cầu, tâm lý lứa tuổi, sở thích của các em.

Dịp này, Ban tổ chức đã tổng kết và trao giải hội thi Lớn lên cùng sách lần thứ 8 và hội thi Văn hay chữ tốt lần thứ 23. Trong đó, ở hội thi Lớn lên cùng sách lần thứ 8 có em Hoàng Lê Vy, Trường Trung học cơ sở Trần Phú (Quận 10) đã giành giải nhất ở khối 6 - 7; em Bùi Lưu Bảo Khánh, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) giành giải nhất ở khối 8 - 9 . Cùng với đó, ở mỗi khối còn có 4 giải nhì, 8 giải ba, 10 giải khuyến khích. Trong hội thi Văn hay chữ tốt, em Lê Nguyễn Thùy Dương, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bá (thành phố Thủ Đức) giành giải nhất khối 8 - 9; khối 6-7, em Nguyễn Đỗ Ngọc Hân, Trường Trung học cơ sở Quang Trung (quận Gò Vấp) giành giải nhất. Ở mỗi khối, Ban tổ chức cũng trao 3 giải nhì, 8 giải ba, 10 giải khuyến khích.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
TP Hồ Chí Minh: Phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Sáng 22/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, UBND Quận 1, Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 để tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN