Trao giải thưởng “Bùi xuân phái - Vì tình yêu Hà Nội”: Tình yêu Hà Nội mỗi độ thu về...

Vào cái ngày cuối cùng của tháng 8, trong tiết thu đã thực sự về với phố phường, những người yêu Hà Nội lại có mặt trong lễ trao Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Đã là năm thứ 5 rồi, tình yêu Hà Nội lại dội về theo mỗi độ thu...

 

Người nghệ sĩ mù với khao khát vô bờ...


Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" đã không còn xa lạ với những người yêu mến Hà Nội ở trong và ngoài nước. Giải thưởng do Báo TT&VH và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng lập năm 2008 với mục tiêu hết sức bình dị mà lớn lao: Tìm kiếm, phát hiện và trao giải cho những tình yêu Hà Nội, thể hiện trong cả cuộc đời sự nghiệp của các tác giả cũng như trong tác phẩm, ý tưởng, việc làm vì Hà Nội. "Vì thế Giải thưởng được trao vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm nhân sinh nhật Bùi Xuân Phái đã trở thành ngày hội của những tình yêu Hà Nội"- bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC giải cho biết.


Nghệ sĩ Văn Vượng được đề cử Giải thưởng Lớn.

 

Theo đại diện BTC, năm nay, từ hàng chục dự kiến đề cử, qua các vòng sơ loại, sơ khảo, chung khảo, BTC đã gút lại còn 9 đề cử chính thức. Và từ 9 đề cử đó, Hội đồng giám khảo đã làm việc rất nghiêm túc với 3 vòng chấm chung khảo để chọn ra Giải thưởng Lớn, cùng các giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm "Vì tình yêu Hà Nội".


Đề cử Giải thưởng Lớn "Vì tình yêu Hà Nội", một trong những giải thưởng quan trọng nhất của Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm nay thuộc về nghệ sĩ guitar Văn Vượng, người nghệ sĩ mù đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp của mình với Hà Nội, thông qua việc chuyển soạn và trình diễn những tác phẩm xuất sắc nhất về Hà Nội bằng tiếng đàn guitar tài năng của mình.


Nghệ sĩ Văn Vượng không phải người Hà Nội gốc (quê ở Hải Dương), 26 tuổi ông mới lần đầu đặt chân lên Hà Nội. Nhưng ngay từ những giây phút đầu tiên, nghệ sĩ guitar Văn Vượng đã “cảm” Hà Nội bằng tác phẩm "Người Hà Nội", được ông chuyển soạn cho cây đàn guitar. Từ đó đến nay ông đã gắn bó với mảnh đất này 44 năm có lẻ, với biết bao kỉ niệm vui, buồn về cuộc sống cũng như sự nghiệp.


Văn Vượng tâm sự, ông quyết định gắn bó với Hà Nội từ những ngày thủ đô còn trong khói lửa (năm 19), bởi Hà Nội dù có chiến tranh thì sau những trận bom cứ vẫn bình yên và đáng yêu, Hà Nội còn là đất "dụng võ" nên ông cần phải đến với mảnh đất này...


Thời trẻ, mặc dù sống ở phố Hàng Bồ, nhưng Văn Vượng lại sinh hoạt trong đội văn nghệ của Tiểu khu Lương Ngọc Quyến, Lương Văn Can, Đào Duy Từ. Ở đó ông có rất nhiều bạn bè và cũng đã ba lần đoạt giải A1 trong các cuộc thi guitar. Nhưng mọi việc cũng mới dừng ở mức "phường, xã" như vậy. Chỉ đến khi Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam mời ông đến thu âm tác phẩm "Trường ca sông Lô" của Văn Cao, ông mới được biết đến nhiều hơn. Ông bắt đầu lên sân khấu biểu diễn cùng các đoàn nghệ thuật. Không chỉ vậy, 10 năm trở lại đây, Văn Vượng lại chọn cho mình cách hoạt động khác: Tự tổ chức biểu diễn. Và ý nghĩa của việc làm này là để chia sẻ một phần cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ, đồng thời cải thiện cuộc sống cho chính bản thân. Sau những đêm diễn như vậy, ông đã đi khắp các vùng miền của đất nước, từ Bắc - Trung - Nam để thực hiện sự thiện nguyện của mình.


Năm 1980, Văn Vượng tham gia đóng phim "Hà Nội năm cửa ô", sau đổi tên thành "Hà Nội trong mắt ai", sau khi Đài truyền hình làm phóng sự "Tiếng đàn Văn Vượng". Nhận lời mời của đạo diễn Trần Văn Thủy, Văn Vượng bảo rất vui vì được làm việc với tổ đạo diễn yêu nghề và tài năng. Chỉ một cảnh quay Văn Vượng đứng trên sân thượng, người ngả ra như đang muốn ôm không gian khi đoàn tàu lao về phía Hà Nội mà cả đoàn phim phải mất đến 5 ngày phơi nắng trên nóc nhà vào mùa hè bỏng cháy mới quay đạt yêu cầu khiến ông nhớ mãi về khoảnh khắc làm diễn viên của mình...


Cho đến nay, mặc dù đã chuyển soạn khoảng 500 tác phẩm âm nhạc cho đàn guitar, nhưng với Văn Vượng, "Người Hà Nội" vẫn là tác phẩm chuyển soạn mà ông tâm đắc nhất bởi đây là tác phẩm mà ông gửi gắm tình cảm của mình dành cho mảnh đất này nhiều nhất, cũng là ca khúc có nhiều kỉ niệm của Văn Vượng, nhất là kỉ niệm với chính tác giả của "Người Hà Nội" - nhà thơ Nguyễn Đình Thi.


Văn Vượng nhớ lại: Đó là ngày 11/1/19, khi qua phố Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh là Hồ Gươm, vô tình ông nghe thấy "Người Hà Nội" phát ra từ chiếc loa công cộng. Lúc đó, ông chỉ nghĩ, thế nào về nhà mình cũng sẽ chuyển soạn ca khúc này. Cho đến cuối năm đó, khi nhận được lời mời biểu diễn nhân dịp giải phóng thủ đô, như được cổ vũ, ông đã "xuất thần" chuyển soạn "Người Hà Nội" lần đầu tiên. Những hình ảnh: Mặt Hồ Gươm lóng lánh, mặt trời, kháng chiến bùng nổ, hàng người xuống đường tiễn Cha già, người chơi đàn trong đêm... cứ ào đến như những đợt sóng âm nhạc trong tâm hồn ông. Ông dùng kỹ thuật bồi âm cho đoạn đầu thể hiện tiếng chuông trong đền Ngọc Sơn vào buổi sớm, gam rải là các lớp sóng nhỏ dưới mặt hồ, rồi đến hình ảnh bầu trời Hà Nội cao rộng, mênh mang. Đó là lần đầu tiên ông biểu diễn và chuyển soạn ca khúc này. Đến năm 1977, tác phẩm được thu âm và trở nên phổ biến hơn. Và để "Người Hà Nội" hoàn thiện được như ngày hôm nay, Văn Vượng đã phải chuyển soạn lại khá nhiều lần..


Mới đây, nghệ sĩ Văn Vượng đã hoàn thành 2 CD mới chưa phát hành là "Văn Vượng những tình khúc cháy bỏng" và "Văn Vượng kỉ niệm khó quên". Các tác phẩm trong 2 CD nói trên là những ca khúc được ông sáng tác từ thời trẻ, thể hiện tình yêu con người và thiên nhiên. Sau 2 CD này, ông sẽ tiếp tục cho ra mắt 2 CD chuyển soạn những bản nhạc trẻ dành cho lớp trẻ cũng như để lớp già có thể hiểu biết và nghĩ đúng về âm nhạc của lớp trẻ hiện nay. Bên cạnh đó là bộ DVD tự học đàn guitar không cần thầy dạy. Cuối cùng là cuốn "Hồi ký Văn Vượng" do chính ông tự viết về cuộc đời mình.


Điều có lẽ ít ai biết, đó là cái cách mà Văn Vượng cảm nhận Hà Nội, tận hưởng Hà Nội và cũng là yêu Hà Nội lại là những buổi đi chơi đêm trên phố vắng. Cho đến nay, đã ở tuổi thất thập mà ông vẫn giữ thói quen này. Những con phố vắng ghi dấu trong ông đó là Nguyễn Gia Thiều, Khúc Hạo. Ông bảo, chính sự vắng lặng ấy đã đem đến cho ông rất nhiều cảm xúc về Hà Nội...

 

Người có "5678 bước chân quanh Hồ Gươm"


Có hai đề cử cho Giải Tác phẩm "Vì tình yêu Hà Nội". Đó là 2 cuốn "Đi ngang Hà Nội" và "Đi dọc Hà Nội" của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến; và Triển lãm sắp đặt “Ru-bích cổng làng” của họa sĩ Quách Đông Phương.


Xem ra cả hai đều nặng ký. Quách Đông Phương là họa sĩ nổi danh, và cũng là người đã có hơn 20 năm chụp ảnh cổng làng, trong đó anh có hơn 700 ảnh cổng làng Hà Nội. Hàng trăm, hàng nghìn cổng làng xưa cũ đang ngày một mất đi trước tốc độ đô thị hóa. Nhưng qua ống kính nhiếp ảnh, họa sĩ Quách Đông Phương đã giữ lại cổng làng không chỉ cho riêng mình mà cho đông đảo công chúng khi muốn “đọc lại sử làng”.


Còn với Nguyễn Ngọc Tiến, chàng phóng viên lãng tử của Báo Hà Nội Mới đã tỉ mẩn đến mức đếm đủ "5678 bước chân quanh Hồ Gươm". Và giờ đây, với "Đi ngang Hà Nội" và “Đi dọc Hà Nội", anh lại khiến những người cũng yêu Hà Nội như anh, cũng gắn bó với Hà Nội như anh phải nao nao tới khó tả theo từng tranh sách.


Hơn 6 năm ở quân ngũ rồi theo học trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh, Nguyễn Ngọc Tiến về Báo Hà Nội Mới vào đầu thập niên 1990. Anh bảo mình vào nghề muộn nên chỉ còn cách dành trọn thời gian cho những gì quan tâm nhất. Sự lựa chọn ấy là Hà Nội, được giới hạn riêng trong góc nhìn của Tiến về lịch sử đời sống của nó. Và những cuốn sách chính là cách "nhìn" ấy.


Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đời, chuyện người, rồi cả chuyện đồ vật nữa... theo đánh giá của người trong giới, nội dung của cuốn "Đi ngang Hà Nội" vẫn khó có thể tóm lược chỉ trong lời. Bởi từ một khái niệm vô hình, cái sự “yêu Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến lại được cụ thể hóa qua hàng chục câu chuyện, với giọng văn nhẩn nha về những sự kiện và con người...


Hai năm trước, Phạm Ngọc Tiến có "5678 bước chân quanh Hồ Gươm", và lần này, sau khi quyết định "Đi ngang Hà Nội", tháng 9 này anh sẽ "Đi dọc Hà Nội" (cuốn sách sẽ ra mắt chính thức vào tháng 9/2012). Với tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục triển khai góc nhìn mới về một số vấn đề - sự kiện, giúp người đọc biết về “người Tràng An thanh lịch” qua thú chơi hoa, qua lịch sử cầu Thê Húc, qua thuốc phiện và rượu lậu của một thời… Và các vấn đề - sự kiện ấy luôn được tác giả xây dựng trên nền tảng con người, mà nổi trội là những người Hà Nội rất bình thường. Họ là người trồng hoa ở làng Ngọc Hà, là chị công nhân đã có mấy chục năm làm công việc coi sóc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, và xa nữa về thời gian là những anh chị, cô bác bán hàng rong, người hát xẩm… cùng với các câu vè, lời rao hàng sinh động và lý thú. Đó là những con người đã góp phần làm nên một diện mạo khác của Hà Nội, khác xa với những “dân chơi” của đất kinh kỳ…


Đấy, những tình yêu Hà Nội mà Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay "nhắm" tới là như thế, có khi giản dị, có khi tưng tửng, có khi là "cắm rễ" ở tận đâu nhưng rồi về với thủ đô... nhưng đố ai dám bảo không sâu sắc, đố ai dám bảo nó không khiến ta rưng rưng như khi ngắm tranh Phố Phái. Và khiến ta muốn nhao ra ngoài kia, để ôm trọn Hà Nội vào lòng, với một lời thầm vang trong tim "Hà Nội ơi, tôi yêu người, lắm lắm!".

 

BGK năm nay gồm Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; Nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nhà báo Ngô Hà Thái, Phó TGĐ TTXVN; Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội; Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; KTS Đoàn Đức Thành. CÁC ĐỀ CỬ 1. Đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội: - Nghệ sĩ guitar Văn Vượng 2. Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội: - Hai cuốn "Đi ngang Hà Nội" và "Đi dọc Hà Nội" của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến. - Triển lãm sắp đặt “Ru-bích cổng làng” - Họa sĩ Quách Đông Phương. 3. Đề cử Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội: - Việc sưu tập và các hoạt động triển lãm bộ ảnh KÝ ỨC HÀ NỘI XƯA của 2 cha con nhà giáo Đoàn Thịnh và ThS.KTS Đoàn Bắc. - Việc phục dựng thành công 100 món ăn cổ thất truyền của HN của chàng trai trẻ Nguyễn Phương Hải. - Việc sưu tập các ảnh tư liệu quý về Thành cổ Hà Nội cùng các hoạt động triển lãm, tọa đàm tôn vinh Hà Nội cổ của TS Olivier Tessier. 4. Đề cử Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội: - Ý tưởng Phục dựng Lễ hội đèn Quảng Chiếu ở Hoàng Thành Thăng Long - Thành cổ Hà Nội. - Ý tưởng Chương trình bảo tồn rau húng Láng của TP Hà Nội. - Ý tưởng của Dự án Hệ - Mạch phát triển cấp nước, cấp điện, giao thông và cải thiện môi trường cảnh quan cho thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía tây.

 

T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN