Triển lãm 'Côn trùng' thăng hoa cùng múa tương tác

Múa tương tác đã bất ngờ tạo thêm một không gian dịch chuyển cho triển lãm “Côn trùng”. Lấy cảm xúc trực tiếp từ tác phẩm và sự nhiệt tình cổ vũ của người xem, sự tương tác ngẫu hứng của nữ sĩ Hoan Đoan đã liên kết “Côn trùng” thành một tổng thể hài hòa, đào sâu thêm thông điệp bảo vệ môi trường.

Những ý tưởng tạo hình táo bạo

Triển lãm sắp đặt “Côn trùng” do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật thương đại (VICAS Art Studio) - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức, hội tụ 24 tác phẩm của 5 nghệ sĩ: Hùng Dingo, Yến Năng, Hà Huy Mười, Phạm Thị Hồng Sâm và Nguyễn Mạnh Hùng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm sắp đặt "Con đường côn trùng 01" của tác giả Yến Năng sử dụng chất liệu là cành cây cháy được anh mang về từ vụ hỏa hoạn trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Với những chất liệu đặc biệt như que than từ vụ cháy rừng mới đây ở Hà Tĩnh cùng với rác thải nhựa, sắt vụn… những tác phẩm đã thoát ra khỏi sự gò bó thông thường, "Côn trùng" chứng minh lối tư duy phóng khoáng của những người nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật điêu khắc đương đại.

Mỗi người mang đến một phong cách với những thông điệp riêng nhưng cùng cất lên tiếng nói: Côn trùng đại diện cho thiên nhiên, cuộc sống của côn trùng cũng là cuộc sống của chính chúng ta. Hãy làm gì đó để môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của chúng ta không như vậy.

“Côn trùng" không chỉ là một triển lãm sắp đặt ấn tượng, mang đến cho người xem những suy nghĩ tích cực mà còn là một nốt lặng về thực tại. Đồng thời triển lãm kết hợp với hiệu ứng âm thanh, cộng hưởng thêm những ám ảnh về thông điệp mà người nghệ sĩ gửi gắm trong các tác phẩm của mình.

Chú thích ảnh
Một đàn kiến, từ kiến chúa đến kiến thợ, nhằm hiển thị những mối quan hệ xã hội phức tạp của xã hội loài người trong tác phẩm "Phận kiến" của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng.

Yến Năng được biết đến là một nghệ sĩ thị giác, chuyên làm những tác phẩm có tính phù du. Anh đã có 7 triển lãm riêng và chung. Triển lãm lần này, những tác phẩm sắp đặt với chất liệu là cành cây cháy được anh mang về từ vụ hỏa hoạn trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) hồi tháng 6 mới đây. Bên cạnh đó, than hoa từ gỗ cháy do con người chủ động tạo ra cũng được sử dụng với mục đích so sánh liền kề. Nghệ sỹ Yến Năng đã đổi mới với sắt sợi xâu chuỗi những cành cây cháy trơ trụi, than hoa, để biến chúng thành tác những phẩm nghệ thuật sắp đặt đương đại.

Nghệ sĩ Yến Năng với 4 tác phẩm mang tên "Con đường côn trùng" như cấu trúc nhân tế bào phóng to, mang hình dáng con bọ nào đó, một cái tổ lộ thiên, có thể cả cánh rừng, hoặc một đám rối… Tất cả đã là than! Có tác phẩm như một dấu hỏi thực tại xoáy vào chúng ta: Thế giới sẽ ra sao nếu chẳng còn sự sống nào cả?

Hùng Dingo có thế mạnh của họa sỹ biếm họa nên cái nhìn về côn trùng của anh mang đậm quan điểm xã hội. Ngôn ngữ điêu khắc của anh ngẫu hứng, tự do: Uốn, cài đan xen sắt và dây thép gai.

Sử dụng phương pháp phóng đại, nghệ sĩ Hà Huy Mười đã biến các con côn trùng của mình thành đối tượng kích thích trí tưởng tượng bởi sự tò mò.

Phạm Thị Hồng Sâm mang đến triển lãm một tác phẩm điêu khắc 2D khá hoành tráng với những con côn trùng kỳ dị, khiến người xem có nhiều liên tưởng sâu xa.

Chú thích ảnh
Sắt và dây thép gai uốn, cài đan xen tạo hiệu ứng riêng trong tác phẩm “Bọ não” của tác giả Hùng Dingo.

Tác phẩm bằng chất liệu sắt mụn hàn của Nguyễn Mạnh Hùng là một đàn kiến, từ kiến chúa đến kiến thợ, nhằm hiển thị những mối quan hệ xã hội phức tạp của xã hội loài người.

Sau khi triển lãm kết thúc, công chúng vẫn có thể tìm hiểu và trải nghiệm trực tuyến các tác phẩm thuộc Triển lãm qua một phần mềm ứng dụng miễn phí sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) cho điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Video múa tương tác trong tác phẩm "Kén" của tác giả Hà Huy Mười và dịch chuyển không gian sang tác phẩm "Con đường côn trùng 04" của tác giả Yến Năng:

Thầy Phạm Sinh, giảng viên khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp đánh giá: "Tuy quy mô không lớn nhưng triển lãm này có tầm cỡ khu vực và quốc tế do các vấn đề nhóm tác giả nêu ra - nó đã chạm tới trái tim mọi người về những khao khát nỗ lực mà xã hội loài người chung tay giải quyết - sự xuống cấp môi trường trái đất do chính con người gây ra. Vấn đề môi trường được nhóm nghệ sĩ này quan tâm khá lâu từ các triển lãm trước cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên triển lãm lần này có sự vượt trội cả về nội dung hình thức nghệ thuật kể cả quy mô. Nó đã thoát khỏi lối minh họa thô sơ hoăc ám chỉ xã hội tầm thấp. Nó đã vượt lên các hiện tượng tầm thường để vươn tới tầm cao tư tưởng và nghệ thuật. Ngoài sự độc đáo về chất liệu, các tác phẩm điêu khắc cũng tạo hình rất thăng hoa ấn tượng!”.

Múa tương tác tạo cho “Côn trùng” không gian dịch chuyển

Điều bất ngờ trong triển lãm “Côn trùng” là có sự tham gia múa tương tác ngẫu hứng cho từng tác phẩm của nữ sỹ Hoan Đoan.

Chú thích ảnh
Sự chuyển động uyển chuyển của cơ thể nữ sĩ, cộng hưởng trên nền âm nhạc ám ảnh đã tạo nên những hiệu ứng ấn tượng bất ngờ trong tác phẩm "Kén" của tác giả Hà Huy Mười.

Sự chuyển động uyển chuyển của cơ thể nữ sĩ, cộng hưởng trên nền âm nhạc ám ảnh đã tạo nên những hiệu ứng ấn tượng bất ngờ, làm cho những tác phẩm “Côn trùng” thêm thăng hoa. Nữ sĩ Hoan Đoan như kể tiếp câu chuyện nhiều ý nghĩa của từng tác phẩm, những mối quan hệ cá nhân và cách chúng tồn tại trên thế giới này, đào sâu thêm thông điệp bảo vệ môi trường, đem đến cho người xem thêm những góc nhìn đa diện và cách tư duy mở.

Công chúng được cảm nhận từng tác phẩm “Côn trùng” qua không gian dịch chuyển tương tác sống động do diễn viên múa tạo nên đồng thời giúp khán giả khám phá chiều sâu nội tâm của chính mình. Sự tương tác hoàn toàn ngẫu hứng. Ngẫu hứng từ cách chọn y phục, nền nhạc, màu sắc cơ thể và ánh sáng. Người xem di chuyển xung quanh không gian tác phẩm để có thể cảm nhận những động tác múa và câu chuyện theo cách riêng của mỗi người một cách độc đáo.

Người xem triển lãm được tiếp xúc trong cự ly gần nhất với sự chuyển động cơ thể của nghệ sĩ biểu diễn cảm nhận mọi thần thái, từng hơi thở, cử động và những giọt mồ hôi.

Chú thích ảnh
Người xem có thể di chuyển xung quanh không gian tác phẩm "Nối mi" của tác giả Phạm Thị Hồng Sâm để cảm nhận câu chuyện theo cách riêng.

Triển lãm “Côn trùng” đem lại cho người xem những giây phút ấn tượng, bất ngờ, mãn nhãn, bổ sung thêm cho định nghĩa khái niệm “tác phẩm” và "khán giả".

Nghệ sĩ Yến Năng cho biết: “Bằng một cách nào đó, chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm đến môi trường sống hiện tại. Sau buổi triển lãm có thể thấy, nghệ thuật không phải những gì quá trừu tượng mà đôi khi chỉ là việc cảm nhận cái đẹp, những điều giá trị dù rất đơn giản nhưng lại dễ dàng, thực tế trong chính cuộc sống của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên, ở đâu nghệ thuật được chú trọng, thì ở đó, khoa học sẽ tiên phong. Ở đâu nghệ thuật đương đại được đề cao, thì ở đó con người hiền hòa và nhân văn hơn”.

Sơn Thắng/Báo Tin tức
Điêu khắc cành đào khô tại Rác Xuân 2017
Điêu khắc cành đào khô tại Rác Xuân 2017

Mỗi mùa Xuân đến, đào, mai vượng sắc hòa với lòng người chào đón năm mới. Thế rồi khi nhiệm vụ khoe sắc hoàn thành, những cành đào rừng, đào thắm, đào phai khô xác, trở thành rác đô thị. Nhưng cũng có những cành đào khô lọt vào tay người nghệ sĩ, tiếp tục thể hiện mình trong triển lãm nghệ thuật điêu khắc Rác Xuân 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN