Đưa di sản trình diễn ngay trên đường phố, để chính những người lưu giữ nghề cổ, người phát huy vốn cổ, người trình diễn nét văn hóa của người xưa... có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người thưởng thức là một cách làm mới của những người làm văn hóa ở Hà Nội.
Tận dụng không gian phố đi bộ khu vực Đào Duy Từ, Hàng Buồm, Mã Mây... vốn tấp nập khách du lịch, nhộn nhịp quán hàng dịp cuối tuần, chương trình “Tiếng tơ” chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11 mở màn bằng màn trình diễn áo dài trên chất liệu lụa tơ tằm ngay trên đường phố.
Sân khấu thời trang hòa lẫn không gian của các cửa hàng xung quanh, của niềm vui, sự tò mò của khách thăm quan và được chiếu sáng bằng những chiếc đèn lồng lấp lánh. Tất cả hòa quyện, trở thành một sàn diễn đặc biệt chào mừng 14 năm Ngày Di sản Việt Nam.
Phố Đào Duy Từ trở nên lung linh bởi những khung cửi tơ tằm được treo rợp đường, đem đến cảm giác thú vị cho khách tham quan.
Nhóm nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, La Hằng, Thục Anh đã khiến những thước lụa tơ tằm truyền thống trở nên gần gũi và cũng mới lạ hơn khi ứng dụng vào áo dài và các thiết kế thời trang khác.
Bên cạnh các sản phầm thời trang, du khách trong nước và quốc tế khi đến với không gian trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội còn được trực tiếp chứng kiến từng công đoạn sản xuất tơ tằm thủ công, từ lúc tằm nhả kén.
Du khách được tham gia tìm hiểu mô hình quấn sợi tơ, các công đoạn, quy trình ươm, dệt lụa tơ tằm và tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận; qua đó tôn vinh nghệ nhân và quảng bá các kỹ thuật mới của nghề truyền thống.
Xem clip trình diễn thời trang ngay trên đường phố trong khuôn khổ chương trình “Tiếng tơ”:
Chương trình “Tiếng tơ” kéo dài đến 15/12 với một chuỗi các hoạt động văn hóa đa dạng, ý nghĩa, bao gồm các hoạt động trưng bày, giới thiệu nghề dệt lụa truyền thống, trình diễn thời trang, tọa đàm, biểu diễn thư pháp, giao lưu trà Việt và trưng bày ảnh di sản Hà Nội.