Trùng tu di tích Cố đô Huế: Cần tính toán phù hợp giữa bảo tồn và phát triển

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều nỗ lực trong công tác trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đang phải đối mặt với những thách thức lớn do xu thế phát triển mạnh mẽ của đô thị.


 

An Định cung sau khi được trùng tu.

Hiện nay, chỉ tính số dân sống trên Thượng thành Đại nội Huế và các eo bầu thuộc khu vực 1 (khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt của di tích) có hơn 2.800 hộ. Với con số trung bình 4 người/hộ, thì đã có tới hơn 1 vạn người sinh sống ở đây.


Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND thành phố Huế từng chia sẻ: "Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đang gặp khó khăn lớn từ cơ chế. Kinh phí dành cho các di sản của ngành văn hóa - thể thao và du lịch toàn quốc mỗi năm chỉ có khoảng 300 tỉ đồng. Trong số này, kinh phí dành cho công việc duy tu, bảo dưỡng, trùng tu di tích Huế vào khoảng 1/10 là quá ít, đó là chưa nói đến công tác đầu tư các lĩnh vực khác như chống xâm hại di tích hoặc di dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích theo Luật Di sản. Thành phố Huế từ tháng 8/2011 đã đầu tư 99 tỷ 105 triệu đồng xây dựng 5 khối nhà chung cư 4 tầng tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơn, với diện tích xây dựng hơn 15.000 m2 sàn, có đầy đủ hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, chống sét, chống cháy... Tuy nhiên, việc xây dựng phải sau 2 năm mới hoàn thành và cũng chỉ bố trí được 161 căn hộ khép kín để phục vụ việc di dời các hộ dân sống trên Thượng thành và các eo bầu. Vấn đề đặt ra là, với nguồn kinh phí như hiện nay thì việc sắp xếp, bố trí cho số lượng lớn cư dân sống trên Thượng thành Đại nội Huế đến bao giờ mới hoàn thành? Trong khi, người dân trong vùng quy hoạch di tích luôn ở trong trạng thái "đi không được mà ở cũng không xong".


Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải từng nêu phương án, bên cạnh tổ chức di dời dân ra khỏi Thượng thành Đại nội Huế theo Luật Di sản, đồng thời phải tính toán đến việc bảo tồn thích nghi, có nghĩa là, những hộ dân chưa di dời ngay được thì hướng họ tham gia vào quá trình giữ gìn môi trường, giữ gìn bảo vệ di sản, đồng thời có quyền khai thác một số dịch vụ phục vụ khách du lịch như: bán hàng lưu niệm, sản xuất đồ thủ công truyền thống... nhưng không ảnh hưởng xấu đến di sản và buộc họ gắn quyền lợi với trách nhiệm bảo tồn di sản. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa đơn vị quản lý di sản và chính quyền địa phương.


Một vấn đề vướng mắc nữa là, TP Huế hiện có số lượng dân sống trong 4 phường nội thành lớn, dân muốn sửa chữa nhà cửa phải được sự cho phép của nhiều cấp, ngành chức năng theo quy định của luật Di sản. Theo quy định, nhà dân trong thành nội diện tích không được nhỏ hơn dưới 200 m2 để vừa làm nhà và lập vườn; chiều cao không quá hai tầng (tức không cao quá 11 m). Hiện đang có thực tế là nhiều chiếc cầu trong các khu di tích đang xuống cấp nhưng cơ quan chức năng chưa tìm ra giải pháp để bảo tồn vì cấm cầu thì dân không có lối đi, làm thêm cầu mới thì phá vỡ chỉnh thể kiến trúc di tích... Những quy định như vậy là nhằm bảo vệ di tích và không gian di sản, nhưng giải quyết thế nào bài toán nhà ở trước sức ép dân số gia tăng và tốc độ đô thị hóa là điều không đơn giản, nếu không nói là Thừa Thiên - Huế đang bế tắc.


Được biết, quanh kinh thành Huế hiện có tất cả 32 chiếc cầu cũ có kiến trúc kiểu xếp vòm, chủ yếu là gạch vồ hoặc đá chẻ. Trải qua gần 200 năm với nhiều biến cố lịch sử, một số bộ phận của các cầu bị hư hỏng nặng. Trong đó, có hai cầu đang trong trạng thái xuống cấp nghiêm trọng, đó là cầu Kho (đoạn cuối đường Đinh Tiên Hoàng, Phường Thuận Lộc) và cầu Vĩnh Lợi (đường Nguyễn Trãi, Phường Tây Lộc), cần phải được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm an toàn giao thông đô thị. Tuy nhiên, mọi phương án kiến trúc đều không nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận, bởi hiện cả cầu Kho và cầu Vĩnh Lợi đều nằm trong vùng 1 của phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích và tổng thể kiến trúc di sản kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Mâu thuẫn ở đây là, hệ thống cầu cổ cần phải được nghiên cứu bảo tồn nguyên vẹn để phát huy giá trị vốn có của nó; trong khi yêu cầu về mật độ tham gia giao thông ngày càng đông, cầu cần phải được mở rộng đang là hai mặt trái ngược nhau, chưa tìm được mối liên hệ chung.


Giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển trong một số lĩnh vực như đã nêu ở trên, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị. Nên chăng, cần tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để làm sao không mất đi kiến trúc vốn có của di tích Huế trong xu thế phát triển đô thị.


Bài và ảnh: Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN