Những người có công trong việc đưa xoan vào cuộc sống cộng đồng và truyền dạy hát xoan cho thế hệ trẻ đã góp phần gìn giữ, bảo tồn “hồn cốt” để di sản văn hóa hát xoan Phú Thọ mãi trường tồn.
Từ thành phố Việt Trì, chúng tôi về xã Kim Đức, cái nôi của hát xoan Phú Thọ, nơi đây có tới 3/4 phường xoan cổ của đất Tổ là Phù Đức, Kim Đái, Thét. Nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng, phường xoan Thét cho biết: Hát xoan xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước. Hát xoan còn được gọi là hát xuân, tức là các cuộc hát tổ chức vào mùa xuân. Đây là loại dân ca lễ nghi, phong tục, gắn với hội mùa, thờ Thành hoàng, gắn liền với lễ hội và nhu cầu tâm linh. Tổng cộng hát xoan cổ có 14 quả cách (làn điệu) bao gồm hát tràng mai (mời vua), đối rãy cách, nhà ngâm cách, tứ đưa cách, tứ dân cách, ngư thiều cách, xoan thời cách, hồi liên cách, hò chèo cách, xuân - hạ - thu - đông cách và cài huê cách. Mỗi quả cách đều có kép (nam) và đào (nữ), cùng với hai nhạc cụ chính là trống và phách.
Một tiết mục hát xoan tại Hội diễn hát xoan và dân ca ngành GD-ĐT thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: Minh quyết |
Mặc dù năm nay đã 90 tuổi song cụ Nguyễn Thị Sủng vẫn tham gia truyền dạy hát xoan. Giờ đây, dù mắt đã mờ song cụ Sủng vẫn hát rõ lời, tay vẫn múa thuần thục các điệu xoan từ ngư tiều canh mục đến đưa hương, đóng đám. Cụ Sủng đã truyền lời ca tiếng hát cho lớp trẻ và các cháu nhỏ hiểu và thêm yêu làn điệu xoan quê hương. Nói về niềm đam mê hát xoan, cụ Sủng chỉ gói gọn trong mấy câu: Còn sống thì tôi còn truyền dạy để thế hệ sau này giữ lấy hát xoan. Chỉ khi nào chết, tôi mới thôi hát xoan.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đọc cũng ở phường xoan thét, xã Kim Đức, là người đã cùng các nghệ nhân tâm huyết khác trong phường mở lớp dạy hát xoan cho các thanh, thiếu niên trong làng. Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe không được như thời tuổi trẻ nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Đọc vẫn trực tiếp chỉ dạy, uốn nắn cho lớp trẻ từng câu hát, điệu múa. Gọi là lớp học nhưng không có học phí hay bất cứ một khoản đóng góp và sự tài trợ nào, chỉ có kinh phí do phường xoan tự vận động để duy trì hát xoan. Thầy và trò đến với nhau bằng niềm say mê cháy bỏng là được hát, được đắm mình trong những giai điệu truyền cảm, mượt mà của xoan.
Ông Đọc bộc bạch: Hát xoan khó nhất là các làn điệu, cách dạy chủ yếu theo lối truyền khẩu, kết hợp với uốn nắn từng câu hát, điệu múa. Để dạy các cháu hát thành thạo tất cả các quả cách phải mất ít nhất nửa năm. Hiện các lớp học hát xoan của phường xoan thét có rất nhiều bạn trẻ theo học, đặc biệt có những cháu mới 10, 11 tuổi cũng theo học. Mấy năm trở lại đây, đặc biệt là khi hát xoan được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, không chỉ là người dân xã Kim Đức, Phượng Lâu, mà đông đảo người dân ở Phú Thọ đã được truyền dạy và biết hát xoan.
Giờ đây, các phường xoan không chỉ tập trung ở lớp nghệ nhân kế cận ở độ tuổi từ 20 đến 60 mà còn thu hút những đào, kép đang là học sinh tiểu học. Cách dạy hát xoan vẫn theo lối truyền khẩu. Thầy hát mẫu, trò ca theo. Nhịp điệu của xoan khi thủng thẳng, thong thả, khi lại dồn dập, say mê. Người học hát xoan vì thế dễ dàng thả hồn vào từng câu hát một cách tự nhiên và truyền cảm. Theo các nghệ nhân cao tuổi, các đào, kép khi vào nhịp hát dẫn cần thanh to, âm chắc; khi biểu diễn chỉ cười mỉm để tạo nét duyên thầm với người xem. Người hát xoan khi trang điểm cũng phải đúng “chất xoan”, các đào không kẻ mi mắt, lông mày mà chỉ đánh đường mảnh, dài; tô má hồng không được bôi theo kiểu “trôn niêu” gây cảm giác cứng nhắc, giả tạo mà phải thoa gần khắp bờ má để khuôn mặt đầy đặn, giàu sức sống. Các kép đội khăn xếp phải cao để lộ vầng trán giúp cho khuôn mặt sáng sủa, lông mày kẻ đậm hơn đào.
Không chỉ những nghệ nhân ở các phường xoan gốc là Kim Đức, Phượng Lâu, thành phố Việt Trì mới thực hiện truyền dạy hát xoan cho thế hệ trẻ, mà giờ đây ở những huyện vùng cao của Phú Thọ cũng đã và đang triển khai mạnh mẽ nét đẹp văn hóa của di sản này. Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiến, Chủ nhiệm câu lạc bộ hát xoan, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng cho hay, hát xoan có sức hút kỳ lạ đối với bà, do vậy trong số 31 bài bản xoan, bà đã tự nghiên cứu, học và nắm vững 26 bài xoan cổ ở 3 chặng hát, trong đó chặng hát thờ gồm 5 bài, chặng hát quả cách gồm 14 bài và chặng hát hội gồm 7 bài. Không chỉ nắm vững kỹ thuật từng điệu hát, bà còn truyền dạy, phổ biến để hát xoan có sức sống, sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Những người được bà Kiến truyền dạy thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ cháu thiếu nhi 4 tuổi đến những người ở lứa tuổi trung niên, từ người nông dân đến cán bộ về nghỉ hưu tại địa phương.
Từ tình yêu nghệ thuật hát xoan và ý thức gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, những người như cụ Sủng, cụ Đọc… và cả những ông trùm thế hệ trẻ đã và đang “giữ hồn” xoan cổ, để thế hệ trẻ trên đất Vua Hùng hôm nay thêm yêu hát xoan, trân trọng và cùng giữ gìn làn điệu xoan.