Sau 5 ngày diễn ra, sự kiện đã đón hơn 600.000 lượt khách, tăng 50% so với Tuần lễ Văn hóa Du lịch năm 2018.
Theo Ban tổ chức, lượng khách đến tăng là do trong thời gian diễn ra từ ngày 10-14/7 đã được mở rộng về quy mô và không gian tổ chức.
Theo đó, chuỗi các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn du khách gần xa trong Tuần lễ Văn hóa, du lịch đã được diễn ra tại nhiều địa điểm như Quảng trường - Công viên Văn Miếu, Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường; công viên Hai Bà Trưng, thành phố Cao Lãnh...
Các hoạt động trọng tâm của sự kiện lần này là Lễ giỗ lần thứ 199 của ông, bà Đỗ Công Tường; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn - trình diễn làng nghề thủ công tiêu biểu của tỉnh; tọa đàm du lịch nông nghiệp; giới thiệu quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh; Hội thi ẩm thực “Món ngon địa phương” các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Trong đó, chỉ riêng “Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn và Triển lãm và trình diễn làng nghề thủ công” diễn ra tại công viên Hai Bà Trưng đã thu hút đông đảo khách tham quan và mua sắm, doanh thu ước đạt trên 500 triệu đồng.
Đặc biệt, điểm nhấn trong Tuần lễ Văn hóa, du lịch năm nay là Đồng Tháp đã liên kết với Quảng Nam tổ chức không gian văn hóa, du lịch Cao Lãnh - Hội An để tái hiện làng Hòa An xưa mộc mạc, bình dị, một góc phố cổ Hội An đẹp lung linh ngay trung tâm thành phố Cao Lãnh.
Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động giao lưu mang nét đặc trưng của hai thành phố như: Đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp; nghề xắt thuốc rê; đan mê bồ Mỹ Trà; đan lục bình Tịnh Thới; gấp lá dừa dân gian của tỉnh Đồng Tháp; được tham gia các hoạt động văn hóa của thành phố cổ Hội An như hát bài chòi, hát hò khoan đối đáp, viết thư pháp, làm và thả hoa đăng...
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, Phó trưởng ban tổ chức Tuần lễ Văn hóa, du lịch Đồng Tháp năm 2019 cho biết, sự kiện lần này đã tạo dấu ấn về những nét văn hoá, tình đất, tình người và những sản vật đặc sắc của từng địa phương.
Qua đó, mở ra bước ngoặt mới, nâng tầm quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, thúc đẩy giao lưu văn hoá, du lịch và tạo điều kiện tốt để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân các địa phương hợp tác với nhau cùng phát triển kinh tế du lịch. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống để thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương…