Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa với 443 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 106 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Để phát huy giá trị các di tích, tỉnh đã và đang đầu tư phục hồi và tôn tạo 110 di tích lịch sử thành điểm du lịch.
Đình Tân Trào - tâm điểm của dự án Khu du lịch lịch sử - văn hóa và sinh thái Tân Trào. |
Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh cho biết: Những năm gần đây, các khu di tích lịch sử cách mạng đang là những điểm thu hút nhiều nhất khách du lịch tới Tuyên Quang. Để tiếp tục phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, tỉnh đang đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tạo nhiều loại sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với thương hiệu du lịch của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, vận động nhân dân hưởng ứng hoạt động du lịch; tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh đã quy hoạch tổng thể khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào định hướng đến năm 2020; tổ chức tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho 17 đại diện hộ gia đình trong xã, từ những nhân tố này họ về tuyên truyền giúp nhau cùng làm kinh tế du lịch. Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng bê tông hóa đường làng ngõ xóm; hỗ trợ xi măng làm nền nhà cho các hộ dân xung quanh khu di tích Cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái và đổ bê tông đường vào 13 hộ gia đình là điểm đón du khách ăn nghỉ, sinh hoạt. Huy động nhân dân sưu tầm, phục hồi và trang trí tại hộ gia đình các loại nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, tìm lại những giá trị văn hóa tinh thần xa xưa của đồng bào các dân tộc nơi đây để phục vụ nhu cầu du lịch.
Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương- “Thủ đô kháng chiến” đang trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa - lịch sử trọng điểm của tỉnh. Bà Hoàng Như Loan, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết: 6 tháng đầu năm, Khu di tích lịch sử này đã đón gần 240.000 khách du lịch lên tham quan, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào đã năng động, chớp thời cơ chuyển đổi cách làm kinh tế từ thuần nông sang làm thêm du lịch dịch vụ. Đặc biệt, người dân nơi đây đã biết phát huy văn hóa truyền thống để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm như áo, khăn dệt thổ cẩm, hàng mây tre đan... từ bàn tay khéo léo của các cô gái dân tộc Tày, Nùng, Dao... góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Những gia đình có nhà sàn đều sửa sang lại đón khách ngủ trọ, xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng... Từ trẻ em đến người già đều biết làm dịch vụ du lịch, giới thiệu và bán quà lưu niệm và đặc sản địa phương cho khách du lịch.
Anh Bế Văn Thắng, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết: "Gia đình tôi có 7 sào ruộng, làm vất vả nhưng năm nào được mùa cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 2007 trở lại đây, cùng với sản xuất nông nghiệp, gia đình đã bán thêm đồ lưu niệm, hàng thổ cẩm và giới thiệu sản phẩm truyền thống địa phương cho khách tham quan du lịch mỗi tháng thu thêm hơn 1 triệu đồng". Còn anh Bế Văn Chúc cũng ở thôn này, ngày thường bán từ 20 - 30 ống cơm lam, vào cuối tuần có thể bán được gấp đôi, gấp ba. Bình quân mỗi ngày anh lãi từ 50.000 - 100.000 đồng, bằng cả tháng đi làm nương.
Ông Ma Văn Tuấn, Trưởng thôn Tân Lập nhận xét: Từ ngày các hộ trong thôn làm du lịch kết hợp với sản xuất nông – lâm, đời sống của người dân được nâng cao hơn trước nhiều, nhà nào cũng có của ăn của để. Người dân đã biết đoàn kết làm kinh tế, trong thôn không có người mắc các tệ nạn xã hội. Hiện nay các nhà nghỉ và làng văn hóa - du lịch Tân Lập có thể đáp ứng 500 chỗ ngủ cho khách tại các nhà sàn; hơn 200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, cung cấp đủ các loại sản phẩm cho người dân và khách du lịch.
Vũ Quang Đán