Nhân kỷ niệm 1470 năm ngày Cuộc khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ (542 - 2012), ngày 6/10 tại Hà Nội, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế".
Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS.NGDN Đinh Xuân Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh: Công lao và sự nghiệp của Vua Lý Nam Đế là vô cùng to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, có một khoảng trống lớn trong tiểu sử của vị Anh hùng dân tộc này là đã hơn 1.000 năm qua, sử sách không cho biết quê hương cụ thể của ông. Trong khoảng vài chục năm lại đây, giới sử học Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu vấn đề trên nhưng cho đến nay dường như chưa có sự thống nhất cao. Hội thảo là dịp làm sáng tỏ thêm một bước về quê hương, dòng họ, gia thế của Vua Lý Nam Đế và vị thế của Vương triều Tiền Lý đối với lịch sử dân tộc.
Gần 30 tham luận của các nhà sử học, khoa học đã tập trung làm rõ ba chủ đề chính, đó là xác định rõ quê gốc của Vua Lý Nam Đế; đánh giá sự nghiệp, cống hiến của ông và vị trí của Vương triều Tiền Lý đối với lịch sử dân tộc; đồng thời nghiên cứu, khảo sát một số di tích lịch sử liên quan tới Vua Lý Nam Đế và Vương triều Tiền Lý.
Các nhà sử học khẳng định cuộc khởi nghĩa Lý Bí nói riêng và Vương triều Tiền Lý nói chung giữ một vị trí rất quan trọng trong thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, kéo dài hơn 1.000 năm bởi trong thời kỳ Bắc thuộc, cuộc khởi nghĩa Lý Bí thu được thắng lợi vang dội nhất và giành được quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất. Trong lịch sử nước nhà, Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng hiệu Đế và cũng là người đầu tiên đặt niên hiệu "Thiên Đức". Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội cổ...
Nguyễn Bích Thủy