Một hành động vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống lại bị biến tướng một cách thái quá, không chỉ phản cảm mà còn là hành vi sai trái được những nhà nghiên cứu văn hóa lý giải do xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và sự cuồng tín của một bộ phận người đi lễ.
Chen nhau đặt lễ, đặt tiền tại chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh). |
Tại lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định), khi các nghi lễ dâng hương, khai ấn vừa xong, dù chưa được phép của nhà đền, người dân đã đổ xô vào cướp “lộc thánh”. Vậy là hoa quả, bánh trái được bày cúng trên ban thờ, những cây nến, tờ tiền, thậm chí cả những bông hoa cắm trong lọ... đều bị người dân tranh nhau cướp, giật; chỉ trong vòng vài phút, ban thờ thánh đã tả tơi như một bãi chiến trường... Rồi chỉ để có được lá ấn, người ta không ngần ngại chen nhau, dẫm lên đầu, lên cổ người khác, trèo lên mái nhà để lấy cho bằng được...
Một trong những điển hình của sự cuồng tín là ở đền bà Chúa Kho, rất nhiều người, nhất là những người làm ăn, buôn bán thường bê cả mâm lễ đến “vay” đầu năm, rồi cuối năm bê hàng mâm tiền âm phủ đến để “trả”, thậm chí có người chở theo cả xe lễ, là những đồ mã để đốt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc người đi lễ chen nhau cướp lộc, đua nhau đi xin, vay, trả lễ ở các đền, chùa xuất phát từ một quan niệm hết sức sai lầm khi cho rằng, đền, chùa là nơi các bậc thần thánh, đức Phật hay những đấng tối cao có thể ban phát mọi thứ cho con người. Từ quan niệm sai lầm đó đã dẫn đến những hành động mê muội thái quá đến mức cuồng tín. Chính vì vậy mà rất nhiều người, khi đi lễ đền, lễ chùa thường mang theo những lời cầu khấn, xin lộc tài, xin thăng quan tiến chức, và bằng những mâm lễ vật phàm tục, thậm chí là phạm cả vào điều cấm kỵ (như việc mang đồ mặn, mang tiền vàng mã đến cúng trong chùa), hay đưa tiền lẻ gài lên khắp tượng thánh, tượng Phật, để lên cả gốc cây, bất cứ nơi nào mà họ cho rằng có chút “linh thiêng” để hy vọng đức Phật hay đức thánh thần có thể phù hộ, giúp đỡ họ đạt được mục đích... Họ không biết rằng, những hành động đó không chỉ phản cảm mà còn trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí trái cả với giáo lý nhà Phật.
Những người hiểu về đạo Phật, về giáo lý nhà Phật đều biết rằng, giá trị sâu xa của đạo Phật không phải là van xin cầu nguyện, cúng tiến, lễ lạy cho nhiều, mà chính là việc nói và làm như lời Phật dạy, luôn giữ gìn tâm ý thanh tịnh, bình an, yên tĩnh. Anh Phạm Hồng Vân, một phật tử thường xuyên đi lễ chùa, có hiểu biết sâu xa về giáo lý nhà Phật cho biết: “Những phật tử như chúng tôi đều hiểu rằng, nhà chùa dựng lên là để lấy chỗ thờ Phật, cho các phật tử đến lễ, để các nhà sư tu hành, chứ nhà chùa dựng lên không phải để hưởng lộc. Những người đi lễ chùa dù ít hay nhiều tiền đều được tôn trọng như nhau, không có chuyện người lễ nhiều tiền sẽ tốt hơn người lễ ít tiền, không có chuyện mâm lễ to hơn thì sẽ xin được nhiều hơn, và trên tất cả, những người đi lễ chùa là để tìm sự thanh thản, chứ không phải cầu xin ban lộc. Hiểu được như vậy, nên mỗi khi đi lễ chùa, những phật tử như chúng tôi chỉ cần thắp một nén tâm nhang, để tâm hướng Phật, lòng thanh thản, chứ không nặng về việc tiến cúng, lễ lạt. Ngay cả việc đặt tiền công đức, chỉ cần vào chùa đặt một nơi là đủ, không cần phải đổi tiền lẻ để đặt ở mọi nơi như nhiều người vẫn làm...”.
Theo ý kiến của những nhà nghiên cứu văn hóa, chuyện đốt vàng mã ở cửa Phật để cầu xin tiền tài là chuyện hoàn toàn không có trong Đạo Phật. Đó là hành động hết sức lãng phí tiền của. Hơn nữa, việc người dân dùng tiền thật rải tràn lan với mục đích cầu tài lộc, cầu may mắn cũng hoàn toàn sai lầm. Nếu đến chùa dâng tiền, cầu xin tài cầu lộc mà Phật có thể ban cho được thì phải chăng Phật biết nhận hối lộ? Hay ở các đền thờ thánh, thờ thần linh cũng vậy. Việc nhiều người có quan niệm là dâng thần này mà không dâng thần kia sẽ gặp xui, nên hiện tượng dâng tiền lẻ, dâng lễ tràn lan vẫn xảy ra. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc đến đền rồi dâng tiền để cầu xin các vị thần linh cũng chỉ là hoàn toàn mê tín và không đúng. Và nếu việc đến đền mà dâng cúng ông thần linh này, rồi không dâng cúng ông thần linh kia rồi sợ bị trừng phạt thì ông thần linh đó cũng không xứng đáng để thờ. Hay tâm lý đi “vay - trả” ở đền bà Chúa Kho cũng là hoàn toàn không có căn cứ, mà chỉ là sự mê muội, cuồng tín thái quá mà thôi.
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, việc cúng tiền thật trong tâm thức của người Việt khởi nguồn từ ý nghĩa như là một chút công đức, là “giọt dầu”, nén hương dâng cúng, cũng là niềm hy vọng cầu mong may mắn. Đây là một việc nên làm được thể hiện trang trọng và có văn hóa. Bởi nó không những mang ý nghĩa tâm linh, là sự trân trọng của người hành lễ ở nơi trời đất linh thiêng, mà còn là nét đẹp văn hóa xuất phát từ truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người tiếp nối hành vi tín ngưỡng đó bằng một cách rẻ rúng tùy tiện nhất, phản văn hóa và có hại tới môi trường.
Có thể thấy rằng, từ trong truyền thống, việc đi lễ đền, chùa chính là một phần của văn hóa và đạo đức của toàn xã hội, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị anh hùng dân tộc, với đức Phật và thánh thần. Nhưng với sự cuồng tín, mê muội của một bộ phận khá đông người đi lễ, đã khiến cho giá trị văn hóa truyền thống ấy đang bị biến tướng nghiêm trọng, làm mất đi nét đẹp văn hóa, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và làm giảm giá trị văn hóa của các di tích. Tuy nhiên, để có thể chấn chỉnh được tình trạng này, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra (Bộ VH, TT & DL) thì cần phải có một cuộc “cách mạng về ý thức” của người đi lễ, và cũng cần có sự phối hợp tham gia của nhiều ngành, nhiều đơn vị, từ cơ quan nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng đến nhà chùa, nhà đền, và cả sự quan tâm của những người am hiểu văn hóa đi lễ, để mọi người cùng biết và làm theo.
Phương Hà
Bài cuối: Đi chùa để xin tài lộc là trái với đạo Phật