Trước những lùm xùm liên quan đến chuyện chữ ký giả của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương (nguyên Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) trên bức tranh lụa vẽ chân dung bé gái trị giá 3000 USD, vào chiều 5/9, nhà đấu giá Chọn đã tổ chức buổi đối thoại 3 bên giữa nhà sưu tầm Phạm Việt Phương (chủ sở hữu hiện tại của bức tranh), họa sĩ Nguyễn Đông (người lên tiếng tố bức tranh lụa “đạo nhái”) và ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc nhà đấu giá Chọn cùng sự có mặt của rất đông các cơ quan báo chí truyền thông.
Buổi đối thoại đã “nóng” lên ngay từ giây phút mở màn khi đại diện nhà đấu giá Chọn liên tục có những câu hỏi chất vấn họa sĩ Nguyễn Đông, một họa sĩ trẻ mới tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Việc chất vấn này sau đó đã bị nhiều nhà báo phản đối vì có nhiều câu hỏi không thuận tai và kéo dài thời gian mà không giải quyết được vấn đề chính.
Trong buổi đối thoại, họa sĩ Nguyễn Đông chia sẻ rằng, anh được chị Phạm Quỳnh (mẹ của Bảo Khánh - nhân vật bé gái trong bức tranh dưới đây) đặt hàng vẽ chân dung con gái vào tháng 1/2018. Trong Ipad của Nguyễn Đông vẫn còn lưu lại toàn bộ quá trình vẽ bức tranh này. Nếu cần thiết, anh có thể gọi mẹ bé Bảo Khánh đến để chứng minh.
Sau khi hoàn thành bức vẽ bé Bảo Khánh vào tháng 4/2018, Nguyễn Đông đồng ý cho một người bạn cùng quê sao chép bức tranh sang dạng tranh lụa làm bài chuyên khoa ở trường Mỹ thuật. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tháng, anh thấy nhà đấu giá Chọn đưa hình ảnh bức tranh lụa của người bạn lên nhưng lại với tên của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương.
Trước câu hỏi của nhà đấu giá Chọn: “Hai bức tranh giống nhau, chỉ khác nhau về chất liệu, thế theo bạn Đông, bức tranh lụa thuộc quyền sở hữu của ai?”, họa sĩ Nguyễn Đông trả lời: “Tôi không quan tâm bức tranh lụa thuộc quyền sở hữu của ai. Tôi có đầy đủ căn cứ để chứng minh bức tranh sơn dầu là của tôi và một người bạn cùng quê đã chuyển thể sang chất liệu lụa, còn bức tranh vừa đấu giá vì sao bị làm giả chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương thì tôi cũng đang muốn tìm hiểu”.
Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương (chủ sở hữu hiện tại của bức tranh lụa) cho biết, bức tranh lụa này được ông mua lại từ một người bạn thường lui tới quán cà phê của vợ ông cách đây 3 năm. Lí do ông mua bức tranh này vì nhà ông toàn con trai nên khi nhìn thấy một bức vẽ bé gái dễ thương liền mua ngay. Bức tranh sau khi mua vẫn được treo tại quán cà phê của gia đình.
“Cách đây khoảng 3 năm có một anh bạn qua lại nhà cà phê đề đạt bán lại cho tôi bức tranh đó. Thời đó tôi chưa biết họa sĩ Vũ Giáng Hương là ai. Lúc đó tôi mua rẻ lắm, không bao nhiêu tiền. Khi nhìn tranh vẽ bé gái tôi thích ngay vì nhà tôi toàn con trai. Tranh mua treo trong nhà nên không quan tâm giấy tờ.
Tôi mới biết chuyện họa sĩ Nguyễn Đông “tố” trên mạng xã hội cách đây 2 hôm. Tôi thấy ngạc nhiên vì có sự trùng hợp kỳ lạ giữa tranh lụa của tôi và tranh vẽ của Nguyễn Đông. Tôi không thể hiểu được”, ông Phạm Việt Phương nói.
Ông Phạm Việt Phương cho biết thêm rằng, ông thấy bức tranh đẹp và tin đó là của các tác giả nổi tiếng. Ông cũng mong có hội đồng thẩm định để biết bức tranh đó có phải của tác giả Vũ Giáng Hương hay không.
Ông Trần Quốc Hùng, đại diện nhà đấu giá Chọn khẳng định, trước khi đưa bức tranh lụa có chữ ký “g Huong 95” thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tầm Phạm Việt Phương ra đấu giá, Hội đồng thẩm định có trải qua quá trình thẩm định bằng mắt. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định gồm những ai thì ông không thể công bố. Và trong quá trình thẩm định có sai sót là chuyện rất bình thường vì con người chứ không phải máy móc.
Buổi đối thoại 3 bên kết thúc trong sự bức xúc của nhiều người tham dự vì thông tin mà nhà đấu giá Chọn đưa ra không làm sáng rõ được vấn đề “Bức tranh lụa có chữ ký “g Huong 95” này có phải của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương hay không?”.
Chia sẻ với PV Dân trí về sự việc này, chị Phương Nga - con gái cố họa sĩ Vũ Giáng Hương cho rằng: “Toàn bộ sự việc là do nhà đấu giá Chọn và người sưu tầm tên Phương đưa lên sàn bán bức tranh có chữ ký “g Huong 95”. Sau đó, bạn họa sĩ tên Đông phát hiện bức tranh giống bức vẽ của mình nên lên tiếng trên mạng xã hội. Vì thế, những người này phải ngồi lại với nhau để làm rõ trắng đen rồi giải thích với gia đình tôi. Gia đình tôi không phải là người bán bức tranh ấy ra.
Nếu nói bức tranh được vẽ vào năm 1995 thì tôi chưa hề nhìn thấy bức tranh này do mẹ tôi vẽ. Còn ai nói bức tranh đó đúng là của mẹ tôi thì cho chúng tôi biết thông tin xác thực vì nó có liên quan đến toàn thể gia đình.
Tôi nghĩ phải có Hội đồng thẩm định là những nhà chuyên môn có uy tín đứng ra thẩm định bức tranh chứ ngồi nói mồm với nhau rất khó để xác định thật - giả”.
Nói về chữ ký “g Huong 95” trên bức tranh lụa, chị Phương Nga chia sẻ: “Nếu nói chữ ký đó là của mẹ mình thì đúng là chữ ký đó không được ổn lắm. Gia đình chúng tôi không phải là người trực tiếp tham dự sự việc này nên sẽ chờ mong thông tin từ nhà đấu giá Chọn và các cơ quan chức năng”.