Cấp sắc là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Dao ở Tuyên Quang. Dù ở bất cứ ngành Dao nào, người đàn ông Dao đều trải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự thừa nhận của cộng đồng về người được cấp sắc.Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đổi tên (đặt pháp danh), được học những giáo lý về đạo đức, về nhân sinh quan... Việc nghiên cứu lễ cấp sắc dân tộc Dao có giá trị ở nhiều khía cạnh trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Bà Lý Thanh Hà, chuyên gia nghiên cứu dân tộc học (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang) cho biết: Thông qua nghiên cứu hệ thống tranh thờ, các bài cúng trong lễ cấp sắc, các nhà nghiên cứu có những hiểu biết sâu sắc hơn về quan niệm, ý niệm về thế giới quan của người Dao, qua đó có thể hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần, thờ vật linh trong cộng đồng người Dao.
Các nghi lễ trong lễ cấp sắc người Dao. Ảnh: Minh Đức - TTXVN. |
Ở khía cạnh khác, chúng ta có thể tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo trong đời sống của người Dao qua nghiên cứu nghi lễ cấp sắc. Ảnh hưởng của Phật giáo trong tâm thức người Dao có thể thấy rõ trong lễ khai quang, lễ đặt pháp danh, lễ hóa kiếp, hồi sinh, các điều nguyện, điều răn hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Ảnh hưởng sâu sắc của Đạo giáo trong lễ cấp sắc được biểu hiện rõ nét trong các nghi thức như: lễ gọi Ngọc Hoàng, viết và đốt sớ...
Ngoài ra, việc nghiên cứu lễ cấp sắc làm tăng thêm sự hiểu biết về mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản, cũng như tính cố kết cộng đồng của người Dao. Qua nghiên cứu, chúng ta có thể tìm hiểu vai trò của mỗi cá nhân trong gia đình, làng bản người Dao.
Việc nghiên cứu lễ cấp sắc còn giúp các nhà nghiên cứu thấy rõ hơn vai trò của thầy cúng, với vai trò là một trong hai đối tượng chính tham gia lễ, họ có mặt trong những sự kiện trọng đại nhất của mỗi gia đình, dòng tộc Dao. Qua quá trình nghiên cứu điền dã ở địa phương cho thấy, những thầy cúng Dao (cũng là những người đã từng trải qua lễ cấp sắc), thường là những người có trình độ học vấn cao hơn so với các thành viên khác trong cộng đồng, giữ vị trí xã hội nhất định.
Có thể thấy, lễ cấp sắc dân tộc Dao Tuyên Quang là đối tượng nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học, tôn giáo-tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật dân gian (múa, âm nhạc, hội họa), ngôn ngữ học và lịch sử... Việc nghiên cứu lễ cấp sắc là cơ sở khoa học thực tiễn gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nông thôn, nhất là đối với các vùng, địa phương có số đông người Dao cư trú.
Lý Thanh Hương