Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèoBan chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết riêng về bảo đảm an sinh xã hội, trong đó giảm nghèo là một trong những mục tiêu phấn đấu đạt được với thời hạn sớm nhất. Triển khai Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người nghèo, như: Hỗ trợ đất sản xuất; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ kinh phí cho đồng bào vùng cao bảo vệ rừng; hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế… Trong mỗi chương trình, Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho một bộ để triển khai thực hiện. Các bộ đều thực hiện công tác này với quyết tâm cao.
Người dân thôn Sả Hồ trồng quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành cây xóa đói giảm nghèo mới, bền vững của huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Ảnh: Lục Văn Toán - TTXVN |
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Chính phủ vẫn dành nguồn lực cho thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Chương trình 30a hỗ trợ 64 huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (công trình thủy lợi, công trình giao thông, công trình thiết yếu) để phục vụ đời sống dân sinh của đồng bào ở những nơi khó khăn. Tại các huyện vùng núi còn khó khăn, Chính phủ quyết định hỗ trợ 30 huyện nữa với mức 70% tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng của huyện nghèo nhằm tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn, giúp người nghèo có điều kiện sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Cần cụ thể hóa chính sách cho phù hợpCác tỉnh trong vùng Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao đều có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn và tập trung số đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất vùng với tổng số 29/45 huyện nghèo 30a và 3/12 huyện nghèo hưởng cơ chế 30a của cả vùng (trong đó một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 vẫn còn cao trên 50%.
Sáu tỉnh đều là tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, không tự chủ được ngân sách, đời sống kinh tế của nhân dân vẫn ở mức thấp so với bình quân chung cả nước; việc chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo việc làm mới sang lĩnh vực phi nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó việc hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo trong thời gian ngắn và đảm bảo tính bền vững khó thực hiện được.
Một số chính sách chưa được cụ thể hóa phù hợp với địa bàn, đối tượng nên chưa huy động được khả năng tham gia của cộng đồng, của người nghèo tại 6 tỉnh trên như chính sách xuất khẩu lao động; chính sách cán bộ; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí… Một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, phân tán, chậm ban hành văn bản hướng dẫn, một số chính sách cho không đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảm nghèo, hạn chế tính sáng tạo, chủ động của các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách, khắc phục tính ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Nhiều chính sách, chương trình được ban hành nhưng không đáp ứng đủ nguồn lực để thực thi, đặc biệt là các chính sách theo Nghị quyết 30ª đối với huyện nghèo; mức hỗ trợ đầu tư còn thấp, mang tính manh mún, nhỏ lẻ và chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Bà Ngô Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Phấn đấu mỗi năm giảm 3,5% tỷ hộ nghèoTrong giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái phấn đấu mỗi năm giảm 3,5% tỷ hộ nghèo. Bảo đảm nguồn lực, thực hiện đầy đủ chính xác, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo, giúp người dân có cuộc sống ổn định và tốt hơn. Để làm được điều này, Yên Bái tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 của 3 cấp tỉnh, huyện, xã để triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo; xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án phát triển kinh tế xã hội của hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững các huyện nghèo nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, thông qua các chính sách như: Y tế, giáo dục, vay vốn, hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, bảo trợ xã hội, bảo đảm sao cho các đối tượng nẳm trong diện được hưởng chính sách phải được thụ hưởng theo đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và giữ gìn tốt an ninh trật tự ở khu dân cư…
Ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn: Cả hệ thống chính trị vào cuộcThời gian qua, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, trước hết là về vốn, y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở, khoa học kỹ thuật... Do đó, người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định công tác giảm nghèo là của cả hệ thống chính trị. Đồng thời phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong hỗ trợ hộ nghèo; lấy kết quả xóa đói giảm nghèo làm tiêu chí xếp loại tổ chức cơ sở Đảng.
Ông Giàng A Câu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái: Ban hành nhiều chính sách hỗ trợĐể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững đối với vùng cao, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách Đảng, Nhà nước, tỉnh Yên Bái còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với đồng bào. Đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020… bằng các nguồn lực như: Ngân sách địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp chung tay xóa nghèo cho đồng bào. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển mạnh, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 4 - 5% (riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6%/năm).
Ông Lò Văn Thu, Trưởng bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La): Cam kết “5 có, 5 không” Long Hẹ là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, diện tích đất sản xuất hạn chế. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt cam kết “5 có, 5 không”, đời sống của người dân những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Long Hẹ có 19 bản, gồm 5 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số. Đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã có 9 dòng họ với gần 0 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu.
Trước đây, Long Hẹ được biết đến là một xã vùng cao có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn, tỷ lệ tảo hôn cao, thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa các dòng họ. Xã vận động thực hiện các nội dung cam kết “5 có” gồm: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc; có nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; có ý thức xây dựng bản làng phát triển toàn diện; có nhiều người hiếu học, biết chữ, nhờ vậy đời sống của người dân từng bước thay đổi. “5 không” gồm: Không du canh du cư, vượt biên trái phép; không truyền - học đạo trái pháp luật và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày mới chôn cất; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy; không tảo hôn, sinh nhiều con... các phong tục tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ, tranh chấp đất đai giữa các dòng họ cũng không còn nữa.
Cam kết “5 có, 5 không” thực sự rất hữu ích. Người dân trong bản đã chủ động áp dụng những kỹ thuật mới trong phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Trong bản đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, đặc biệt là con em trong độ tuổi đều được đến trường lớp đầy đủ, không có tình trạng học sinh tự do bỏ học.