Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Đánh giá đúng thực chất vốn tín dụng toàn vùng
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn ngành, NHCSXH đã xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và chương trình phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho vùng Tây Nguyên. Chủ trương này của NHCSXH đã nhận được ủng hộ và quan tâm đặc biệt của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng). |
NHCSXH đã phân tích chi tiết chất lượng tín dụng của các tỉnh trong vùng, đánh giá đúng những ưu điểm, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động của từng chi nhánh, từng phòng giao dịch. Từ đó xây dựng được hệ thống các biện pháp thực hiện để đạt được mục tiêu của Đề án. Qua ba năm thực hiện, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đã tăng 4.883 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân toàn quốc là 1,3%/năm. Song song với việc tập trung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã không ngừng củng cố nâng cao chất lượng tín dụng trên toàn quốc nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng, do đó chất lượng dư nợ được tăng lên rõ rệt. So với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án thì đến nay, vùng Tây Nguyên có dư nợ quá hạn là 65,5 tỷ đồng, về số tuyệt đối giảm 109,6 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn 0,4%, về số tương đối giảm 1,14% (tỷ lệ cuối năm 2011 là 1,54%). Tất cả 12/12 chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% (Chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất là 0,77%).
Cùng với việc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, NHCSXH cũng đã làm tốt việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo đúng quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg cho bà con nghèo vùng Tây Nguyên. Đây thực sự là một thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện Đề án. Chất lượng tín dụng chính sách ngày một nâng cao, hoạt động của NHCSXH tại vùng Tây Nguyên đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Phát triển theo hướng ổn định, bền vững
Trong thời gian tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đặt trọng tâm giúp 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp. Địa phương sẽ hỗ trợ về nguồn vốn mỗi năm thêm ít nhất 10% để đến năm 2017 toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 80 tỷ đồng. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Nguyên ổn định, giảm lãi tồn đọng, và tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) đồng thời tăng số dư tiền gửi của tổ viên (TTK&VV).
Để đạt được những mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tích cực cùng NHCSXH bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong mọi mặt hoạt động của NHCSXH. Chủ động tham mưu cho các ban, bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các hội, đoàn thể vùng Tây Nguyên trong việc tham gia hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ. Tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện tại địa bàn các huyện nghèo để mọi người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của các chương trình, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng vốn vay, trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam: Cần chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo
Trong thời gian qua, NHCSXH thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ cho các đơn vị thuộc vùng Tây Nguyên. Một số cán bộ trong diện quy hoạch tại Hội sở chính, cán bộ đang công tác tại các đơn vị có chất lượng tín dụng tốt để hỗ trợ cho một số đơn vị thuộc vùng Tây Nguyên có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và chất lượng tín dụng thấp. Qua đó, cũng đã đào tạo và bổ nhiệm được cán bộ là người địa phương giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại phòng giao dịch cấp huyện, chi nhánh cấp tỉnh, đồng thời giúp đội ngũ cán bộ vùng Tây Nguyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ tình hình thực tế trong quá trình thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXH đã đề xuất và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, như: Chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Ông Võ Huy Cần, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện K'Bang, Gia Lai:Mưa dầm thấm lâu
Khi được cấp trên phân công về phụ trách 3 xã trên địa bàn huyện K'Bang, trong đó có Kon Pne - xã xa nhất và cũng là khó khăn nhất của huyện với tôi công việc lúc đầu hết sức gian nan.
Nếu đi bằng xe máy hoặc ô tô từ trung tâm huyện đến trung tâm xã phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, còn vào mùa mưa thì phải mất 4 tiếng bởi đường rừng trơn trợt khó đi. Cả xã chỉ có 3 làng đồng bào dân tộc Bahnar với 350 hộ và chưa đầy 1.500 nhân khẩu. Người dân ở đây còn nghèo bởi thiếu các điều kiện cần thiết để vươn lên trong cuộc sống, trong đó thiếu vốn để phát triển sản xuất. Xác định nhu cầu cấp thiết của người nghèo, tôi đã không quản ngại khó khăn và dành nhiều thời gian giúp đỡ đồng bào nghèo ở đây. Bình quân mỗi tháng, tôi về công tác ở Kon Pne khoảng 15 ngày để tiếp cận, hướng dẫn và vận động bà con nghèo vay vốn chính sách để phát triển sản xuất. Tôi cùng với cán bộ chính quyền địa phương và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền. Hàng ngày bà con lên rẫy làm nương, tối tôi lại đến tận nhà để chuyện trò, thăm hỏi về nguyên nhân và giải pháp khắc phục cái nghèo đã ăn sâu vào bao đời nay.
Bằng đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với phương châm "mưa dầm thấm lâu", hy vọng đồng vốn của ngân hàng sẽ phát huy hiệu quả.
Bà Rơ-ông K-ương, Dân tộc Cil, tổ dân phố Bnơr C thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng): Chính sách tín dụng đầy tính nhân văn
Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình chỉ trông chờ vào 4 sào rau và 3 sào cà phê nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Do kinh tế chỉ phụ thuộc vào mấy sào rau nên khi con gái lớn thi đỗ đại học nhưng gia đình không biết xoay xở ra sao. Trong lúc bế tắc, được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn, gia đình lên NHCSXH làm thủ tục vay được 12 triệu đồng để cho con đi học. Nhờ có khoản tiền này mà con gái tôi được nhập trường kịp thời.
Nhờ có chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Nhà nước mà gia đình tôi được vay 12 triệu đồng, sau đó tiếp tục được vay 20 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm để trang trải việc học hành cho hai con cũng như phát triển kinh tế. Hiện các cháu đã tốt nghiệp, đứa lớn cũng đã có gia đình riêng, đứa thứ hai đang chờ xin việc.