Khoảng một tiếng sau khi tan trường lúc 3 rưỡi chiều, Hoàng đã có mặt ở nhà hàng nơi cậu làm quản lý để điều hành công việc cho tới tận 11 giờ đêm, rồi lại trở về trường để học bài và tự nghiên cứu cho tới 2 gờ, thậm chí 4 giờ sáng hôm sau mới về nhà để 7 giờ sáng thức dậy chuẩn bị cho ngày lên lớp mới.
Phan Thế Hoàng, một du học sinh Việt Nam vừa hoàn thành chương trình Tiến sỹ ngành cơ khí ở Đại học Wollongong, nhớ lại những ngày “oai hùng” đó của mình. Quay cuồng trong lịch trình dày đặc như vậy khi vừa làm chủ một nhà hàng vừa đi học nhưng với Hoàng vẫn là “sướng” và may mắn hơn nhiều so với các du học sinh Việt Nam khác hay như chính bản thân cậu những năm đầu mới bước chân sang Australia. Với điểm tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách khoa Sài Gòn, Hoàng nhận được học bổng đặc cách sang làm Tiến sỹ cơ khí ở Đại học Wollongong năm 2013. Dù có tiền học bổng và bố mẹ hỗ trợ, song như bao du học sinh khác Hoàng cũng lao đi làm thêm từ lau chùi, chạy bàn, chuyển hàng…để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt cũng như tích lũy kinh nghiệm làm việc cho bản thân.
Giờ thì cậu đã bán nhà hàng đó và đang điều hành một công ty về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam, Australia và New Zealand, không liên quan gì tới tấm bằng cơ khí sau 5 năm khổ luyện ở Đại học Wollongong. Ngành này không phải quá khó để xin việc ở Australia, song Hoàng phát hiện ra sở trường, niềm đam mê của mình là kinh doanh và được làm việc với con người chứ không phải những cỗ máy vô tri.
Trở thành doanh nhân trẻ và được đánh giá là có rất nhiều triển vọng, song ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường Đại học Wollongong, Hoàng đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Wollongong. Phát biểu trong đêm chung kết cuộc thi tài năng “Gala Vgong’s Got Talent” tháng 6 vừa qua, Hiệu Phó trường Đại học Wollongong, Giáo sư Paul Gollan cho biết trường rất tự hào và đánh giá cao những hoạt động của Vgong, một trong những câu lạc bộ sinh viên năng động và có hiệu quả trong việc kết nối các sinh viên Việt Nam tại Australia. Ông nhấn mạnh có được những thành tựu này là nhờ vai trò dẫn dắt rất lớn từ những sinh viên giỏi, chịu khó, đầy nhiệt huyết như Phan Thế Hoàng.
Không được may mắn như Hoàng, Nguyễn Phạm Mạnh Cương sang Australia du học tự túc ngành công nghệ thông tin từ năm 2008. Cương nhớ lại: “Vì lúc đó mới sang, chưa quen biết nhiều, không có kinh nghiệm, tiếng Anh chưa rành lắm nên ngoài giờ đi học chỉ làm thêm những việc vặt vãnh được trả công rất thấp như làm vệ sinh, giao sách báo, bán đồ vặt ở những lễ hội…, bố mẹ ở nhà không có điều kiện tài trợ nhiều, nên mỗi tuần em chỉ dám đi chợ tiêu hết 30 AUD”.
Số tiền này ở Việt Nam là khoảng 500.000 đồng, không phải là nhỏ so với mức chi phí ăn uống cho một sinh viên trong một tuần, song ở Australia, đĩa bò bít tết cho suất trưa của một người ở một nhà hàng chưa phải hạng sang cũng có giá trên 30 AUD.
Tiết kiệm là điều hiển nhiên đối với bất cứ du học sinh Việt Nam nào khi đặt chân tới “sứ xở chuột túi”, một đất nước phát triển vốn có mức thu nhập bình quân cao gấp vài chục lần so với nước ta. Theo một cuộc khảo sát mới công bố, có tới 14% sinh viên các trường Đại học ở Australia năm 2017 (tức cứ trong 7 sinh viên thì có 1 em) thường xuyên phải nhịn ăn, hoặc giảm đi tất cả các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt vì không đủ khả năng chi trả, trong đó phần đông là du học sinh quốc tế.
Trang trải đủ chi phí cũng như tích lũy kinh nghiệm, sang Australia du học cũng đồng nghĩa với việc đi làm thêm. Cương cũng trải qua đủ các ngành nghề từ lau chùi dọn dẹp, giao hàng, bán hàng ở siêu thị, ở chợ… và rồi nhờ sự cần cù, chăm chỉ và trung thực cộng với tấm bằng học nghề trước đó ở Việt Nam, Cương được một chủ khách sạn ở Sydney tài trợ ở lại làm quản lý sau khi học xong.
Cả Hoàng và Cương hiện đang chờ để được xét PR (trở thành công dân Australia). Hai bạn chỉ là những ví dụ nhỏ cho rất nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam “có công mài sắc, có ngày nên kim” để thành danh trên đất người.
Tuy nhiên, trong khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam ở Australia không phải ai cũng được như vậy. Nếu không có sự chịu khó, ý chí và nghị lực, nhiều bạn khi bước chân sang môi trường mới này, trước bước ngoặt lớn của cuộc đời, đã phải bỏ cuộc. Tôi từng được nghe kể về một số bạn gia đình có điều kiện cho sang Australia du học, nhưng với bản tính ham ăn chơi, thích đàn đúm, ngại học, không thích đi làm thêm vì chủ yếu là lao động chân tay, nên trong môi trường tự do, thiếu sự quản lý trực tiếp từ bố mẹ nên dễ sa cơ lỡ bước, nghiện ma túy, phải về nước khi chương trình học còn dở dang.
Cũng có những bạn sang du học, thấy ở Australia dễ kiếm việc, dễ kiếm tiền nên dành phần lớn thời gian của mình để đi làm thêm lấy tiền tự trang trải chi phí cho mình và gửi về Việt Nam đỡ cho gia đình… mà quên mất việc chính sang đây là học và vi phạm quy định về thời gian làm thêm đối với sinh viên quốc tế vốn không được quá 20 giờ/tuần. Thậm chí có những bạn vì muốn kiếm được nhiều tiền đã bị dụ dỗ làm những việc phạm pháp mà phổ biến nhất là chân “gác miếu” đến trông nom, tưới cây cần sa trồng bí mật trong những ngôi nhà.
Chính phủ Australia vừa qua cảnh báo nhiều vụ bắt giữ người Việt ở trái phép hay tham gia các hoạt động phạm pháp, đặc biệt buôn bán và trồng cần sa, trong đó theo thống kêcó hơn 2.300 người Việt Nam đang lưu trú bất hợp pháp (quá hạn visa) với nhiều người trong số này là sinh viên. Bộ Nội vụ Australia cũng phải từng đưa ra giới hạn đỏ về cấp visa du học cho những sinh viên đến từ một số tỉnh cụ thể của Việt Nam do những hình ảnh xấu mà đa số du học sinh những tỉnh đó gây ra ở Australia.
Du học ở Australia mở ra một chân trời mới với những cơ hội ngang bằng cho tất cả, song với những ai có ý chí, nghị lực, biết làm chủ, chiến thắng được chính mình thì sẽ thu được những trái ngọt, còn không thì chính bản thân họ và gia đình họ sẽ phải nhận về những trái đắng.