Diễn đàn nhằm cụ thể hóa những cam kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Pháp, gia tăng tỷ lệ du học sinh Việt Nam chọn Pháp là điểm đến học tập.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ cho biết: Trung bình mỗi năm có 5 - 7 học sinh tại mỗi trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố chọn du học tại Pháp. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, số lượng học sinh đi du học Pháp ngày càng tăng. Hiện các em đang học tập rất tốt tại Pháp và có em hiện đã có việc làm ổn định; một số em sau khi tốt nghiệp đã trở về Việt Nam làm việc và đạt được những thành tựu rất khả quan.
Nhằm gia tăng hiệu quả hơn nữa, tại Diễn đàn Du học Pháp năm nay, các chuyên gia, cựu sinh viên du học Pháp đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh và học sinh, sinh viên liên quan đến du học như: Chuẩn bị hành trang, quản lí chi tiêu, nhà ở, thủ tục đăng kí trường tại Pháp, thủ tục cư trú, tìm việc làm thêm, thực tập tại Pháp và tiện ích cuộc sống. Diễn đàn cũng đề cập các thay đổi mới góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại Pháp, như quy trình xin visa và xác nhận visa trực tuyến, đăng ký bảo hiểm Pháp, phí học đường…
Bà Lê Thị Thanh Giang cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Campus France Viet Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các đối tác khác của thành phố tổ chức thêm nhiều hoạt động như: Hội thảo, tập huấn, tọa đàm khoa học…, nhằm tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Pháp, tạo cơ hội cho sinh viên và phụ huynh có được những thông tin cần thiết và hữu ích để chuẩn bị tốt hành trang cho chuyến du học tại Pháp của mình.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Florent Menard - Giám đốc Campus France Vietnam thông tin: Nước Pháp hiện đứng thứ bảy trên thế giới về số lượng sinh viên quốc tế theo học và là điểm đến đầu tiên của các sinh viên không sử dụng tiếng Anh. Năm 2023, con số này là hơn 400.000 sinh viên. Hiện nay, có hơn 6.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Pháp, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên đến từ Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các học viên đến từ Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần hiếu học, sự đoàn kết cộng đồng và thái độ thân thiện. Ông Florent Menard cam kết trên cương vị công tác của mình sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối, hỗ trợ du học sinh Việt Nam đến Pháp học tập và làm việc.
Với vị thế là đơn vị đào tạo trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Nhà trường luôn nỗ lực làm cầu nối về đào tạo quốc tế cho học sinh, sinh viên trong vùng đi du học cũng như tiếp nhận học viên các nước đến Cần Thơ học tập. Riêng về Pháp ngữ, hiện Trường đang đào tạo cho 413 học viên, sinh viên các khối ngành Sư phạm Pháp, Ngôn ngữ Pháp, Lý luận và phương pháp dạy học Pháp ngữ. Bên cạnh đó, Trường còn đào tạo khoảng 900 sinh viên học Pháp văn không chuyên hàng năm.
Thông qua Chương trình Mekong 1000, nhà trường thực hiện kết nối với các đối tác là các viện, trường trên thế giới để đưa 1.000 ứng viên đi đào tạo nước ngoài. Đã có 21 ứng viên Mekong 1000 đi học tại 16 viện, trường tại Pháp (bao gồm 15 thạc sĩ và 6 tiến sĩ). Bên cạnh đó, Trường còn có nhiều cán bộ, giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ Pháp về, là nguồn nhân lực chất lượng cao trong giảng dạy và quản lý của nhà trường.