Chuỗi hội thảo có sự tham dự của các diễn giả hai nước, trong đó có Bộ trưởng Bộ Đại học và Nghiên cứu Italy Maria Cristina Messa cùng đại diện của nhiều doanh nghiệp Italy, diễn ra từ ngày 16 - 24/4 dưới hình thức trực tuyến xoay quanh chủ đề về các cơ hội học tập và việc làm tại Italy.
Trong bài phát biểu, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đánh giá cao ban tổ chức đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên để triển khai chương trình này. Điều đó thể hiện tiềm năng và chất lượng của mối quan hệ đối tác chiến lược của hai nước trên mọi lĩnh vực. Mặc dù số lượng sinh viên Việt Nam đến Italy vẫn chưa nhiều, nhưng đang trên đà tăng nhanh những năm qua.
Đại sứ cho rằng Italy là điểm đến du học ngày càng được ưa chuộng của sinh viên Việt Nam. Lý do là Italy có hệ thống giáo dục đại học có chất lượng cao, cung cấp các chuyên ngành đào tạo hiện đại nhằm giải quyết các mối thách thức toàn cầu liên quan đến phát triển, môi trường, công nghệ…, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam. Nhiều sinh viên từ Italy trở về Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như quan hệ Việt Nam – Italy. Bên cạnh đó, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Italy đang tăng nhanh, đặc biệt là về kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương hiện đạt trên 5 tỷ USD. Trên 4.000 doanh nghiệp Italy đang hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp mang lại nhiều cơ hội học tập và việc làm cho các sinh viên Việt Nam tại Italy. Đại sứ tỏ ý tin tưởng các doanh nghiệp Italy sẽ có lợi ích lớn khi phát huy được nguồn chất xám có hành trang kiến thức và văn hóa của cả hai nước.
Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cũng đề xuất với phía Italy thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của sinh viên trong các sự kiện trao đổi kinh tế giữa hai nước, mời nghiên cứu sinh tham gia các dự án nghiên cứu song phương, đặc biệt là các dự án nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học. Hai bên cũng nên tạo lập kênh kết nối nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Italy với giới sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Italy để làm việc tại Italy và tại Việt Nam, đồng thời sớm ký kết Hiệp định công nhận bằng cấp của nhau để tạo thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên. Theo Đại sứ, việc ICE và các doanh nghiệp Italy là bên tham gia, bảo trợ cho chương trình này thể hiện cam kết thắt chặt sự kết nối giữa giảng đường và thị trường lao động.
Cũng tại phiên khai mạc, bạn Vũ Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italy (ASVI), đã nêu lên những khó khăn và nguyện vọng của sinh viên Việt Nam tại đất nước “hình chiếc ủng”. Bạn Vũ Thị Bích Diệp cho biết, sau khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam tại Italy gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm vì thiếu thông tin, hoặc những công việc mà họ tìm được không liên quan đến chuyên ngành học. Trong quá trình học, phụ cấp thực tập cũng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, sinh viên Việt Nam tại Italy cũng gặp khó khăn khi muốn chuyển đổi thị thực du học sang thị thực lao động. Tuy nhiên, hầu hết các bạn sinh viên vẫn luôn tỏ ra rất lạc quan.
Theo bạn Vũ Thị Bích Diệp, với diện mạo của Việt Nam ngày nay cũng như sự quyết tâm của bộ máy lãnh đạo mới của đất nước, các bạn sinh viên đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới. Các bạn sinh viên hoàn toàn tin tưởng quan hệ Việt Nam - Italy sẽ ngày càng phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại cho đến an ninh, quốc phòng, chính trị, ngoại giao và đặc biệt là giáo dục. Trong ba năm gần đây, Việt Nam đã ký kết 11 hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
Việc EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 đang tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU nói chung, cũng như quan hệ Việt Nam - Italy nói riêng. Các bạn sinh viên cũng mong muốn Italy sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) để mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà đầu tư của hai bên. Sự phát triển tích cực trong quan hệ hai nước sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho sinh viên Việt Nam tại Italy trong quá trình học tập, nghiên cứu và tìm kiếm việc làm.