Tàu hỏa Ấn Độ chạy trên đường ray 1,4 mét, các toa rộng rãi và đặc biệt là ít tiếng ồn. Tàu đến ga Gaya lúc hơn 4 giờ sáng, đúng theo lịch trình. Chúng tôi gọi lái xe như đã thỏa thuận từ trước thì được trả lời: xe hỏng. Thực ra là ô tô hết xăng. Đành phải mặc cả thuê một xe tuc-tuc, loại xe rất phổ biến ở Ấn Độ, với giá quá rẻ 300 rupee (khoảng 100 ngàn VNĐ) cho 15 km.
Bốn người với va li hành lí khá nhiều vẫn nhét gọn trong một chiếc xe ba bánh. Tôi ngồi cạnh tài xế trong khoang chật hẹp của cái gọi là ca-bin. Xe chạy về thành phố Gaya trong gió rát mặt. Giữa đường vắng vẻ, tối tăm, hai bên cây cối um tùm, lái xe dừng lại và gọi điện. Lúc sau, một xe tuc-tuc xịch đến. Lái xe trao cho tài xế xe chúng tôi một chai nhựa đựng xăng. Anh này xé tờ báo làm phễu rồi đổ xăng cho xe chạy tiếp. Đến thành phố Gaya cũng là lúc xe bảy chỗ chúng tôi thuê cho chuyến thăm vùng đất Phật tổ cũng tới nơi.
Hóa ra cánh lái xe đều bó tay vì hai ngày hôm trước, 20 và 21/3 (nhằm dịp rằm), là lễ hội Holi, các trạm xăng đều đóng cửa. Holi là ngày hội từ cổ xưa của người Hindu, ngày nay được tổ chức cả ở Nepal và một số nước châu Á cũng như phương Tây. Trong ngày hội Holi, còn gọi là Lễ hội Sắc màu, Lễ hội tình yêu, Lễ hội mùa xuân, người ta bôi mầu sặc sỡ vào mặt mũi, quần áo của nhau để lấy may; rồi ăn uống, ca hát rất vui vẻ. Dọc đường đi, đâu đâu cũng thấy những tốp người tươi cười hớn hở. Mặt mũi, quần áo ai nấy đều lấm lem mầu xanh, đỏ, tím, vàng như thợ sơn.
Đền Mahabodhi (Đại giác ngộ tự)
Nhờ sự thu xếp từ trước của anh em đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, chúng tôi được Sư trụ trì đền Mahabodhi - Đại sư, tiến sỹ Phật học Manor - đón tiếp và làm lễ tại ngôi đền linh thiêng nhất của giới Phật giáo.
Quần thể đền Mahabodhi có hai nơi linh thiêng của Phật giáo là Cây Bồ đề và đền tháp Mahabodhi Temple (Tháp Bồ Đề Đạo Tràng).
Tại quần thể Mahabodhi này, vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, một nhà tu hành đi khất thực, đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề. Sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu. Đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tiếp đó, Ngài đã tới Sarnath (cách thành phố Gaya khoảng 6 giờ ô tô) và bắt đầu thuyết giảng Phật giáo cho các đồ đệ của mình, mở đầu chặng đường cứu độ chúng sinh cho đến khi Ngài qua đời ở tuổi 80.
Đại sư Manor dẫn chúng tôi đi qua dòng người lúc nào cũng đông như trẩy hội, tiến vào làm lễ cầu may trước trượng Phật bằng vàng ngàn năm tuổi, được đặt trong lồng kính. Sau đó, Ngài đưa chúng tôi đi vòng quanh đền và cây Bồ đề một vòng để chúng tôi đi tiếp tám vòng nữa theo tục lệ Phật giáo.
Cây Bồ đề ngày nay có nguồn gốc từ cây Bồ đề cổ nơi đức Phật từng ngồi thiền, hôm ấy chỉ còn ít lá cuối mùa. Theo dân gian, những ai nhặt được lá bồ đề rơi xuống sẽ gặp nhiều may mắn. Hôm chúng tôi đến chắc có rất ít người được may mắn như vậy.
Trời bắt đầu tối, đức Đại sư như chờ chúng tôi để chia tay sau khi ban tặng mỗi người khăn và áo cà sa đã được chạm vào pho tượng Thích Ca Mâu Ni linh thiêng trong đền Mahabodhi.
Khách đến hành hương và thăm đền Mahabodhi đều phải gửi điện thoại tại quầy ngoài cổng an ninh. Nếu muốn chụp ảnh, có thể mua vé vài chục rupee cho mỗi máy ảnh. Người ta cấm mang điện thoại vào quần thể đền Mahabodhi chắc là để giữ trật tự nơi đông người. Vì nếu mọi người dừng lại chụp ảnh, lại cả cây gậy selfie nữa thì quá loạn! Còn máy ảnh thì ít người mang hơn, sẽ không gây phiền toái.
Quần thể đền Mahabodhi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2002.
Hang Khổ Hạnh (Pragbodhi Cave)
Tất nhiên, đến Bodh Gaya, du khách không nên bỏ qua một trong những địa danh quan trọng khác gắn với cuộc đời tu hành của đức Phật là Hang Khổ hạnh (Pragbodhi Cave).
Tương truyền, ngọn núi thâm thấp cùng tên với hang này là nơi Hoàng tử Siddhartha tu hành ép xác trong suốt 6 năm. Ngài sống trong một hang nhỏ ở lưng chừng núi mà ngày nay trong hang còn bức tượng một nhà tu hành chỉ có da bọc xương. Sau này, ngài nhận ra rằng con đường khổ hạnh không phải là cách trở thành chính quả. Tiếp theo là giai thoại về Ngài được chính quả, trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thiền định dưới gốc cây Bồ đề tổ tiên của cây Bồ đề ở đền Mahabodhi ngày nay.
Khá đông phật tử các nước đến đây hành lễ theo từng đoàn có tổ chức, thường do một sư thầy dẫn đầu. Họ ngồi tụng kinh trên những khoảng sân trước cửa hang. Từ lưng chừng ngọn núi có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn với những làng mạc, đồng ruộng.
- Cũng ở Bodh Gaya, du khách có thể đến thăm đền thờ nàng Sujata (Sujata Temple) và Tháp Sujata (Sujata Stupa), gắn với giai thoại về nàng Sujata, người đã dâng bát cháo sữa cho hoàng tử Siddhartha đang kiệt sức sau nhiều năm tu hành ép xác.
Những nơi này đều thu hút nhiều Phật tử và du khách bốn phương đến tham quan, hành lễ.
- Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự: Là nơi chúng tôi đến trú ngụ trong ngày thăm Gaya. Thầy Thích Huyền Diệu trụ trì chùa dịp này về Việt Nam nhưng các sư sãi, chú tiểu đã tận tình lo cho chúng tôi và những đoàn khách Việt Nam khác chỗ ăn nghỉ rất chu đáo.
Ở vùng này có 4 - 5 ngôi chùa do người Việt xây dựng, vừa là nơi thờ Phật, thể hiện sự có mặt của Phật giáo Việt Nam, vừa là nơi trú ngụ cho hàng nghìn khách hành hương từ trong nước sang thăm đất Phật tổ hằng năm.
Ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn phủ kín các loại cây. Trong khuôn viên còn có những tòa nhà bốn tầng với nhiều phòng làm việc và phòng ngủ cho các sư sãi và du khách. Thật là một chốn bình yên như bao ngôi chùa lớn khác ở Việt Nam.
VARANASI (bang Uttar Pradesh)
Từ Bodh Gaya, sau gần 6 giờ chạy xe, qua một tuyến đường có dáng vẻ một cao tốc nhưng nhiều năm nay chưa hoàn thiện, chúng tôi đến Varanasi, một thành phố ở bang Uttar Pradesh, gần ngã ba sông Hằng và sông Gormati.
Varanasi là trung tâm tôn giáo lớn nhất Ấn Độ, là thành phố thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hindu và đạo Jain. Đây cũng là nơi có vai trò quan trọng trong sự phát triển Phật giáo. Thành phố này cũng từng là một trung tâm văn hóa ở Bắc Ấn Độ trong hàng ngàn năm.
Tương truyền, đức Phật sau khi chính quả đã có buổi thuyết pháp đầu tiên tại Sarnath, cách thành phố Varanasi 10 km về phía đông - bắc.
- Sông Hằng (Ganga River):
Trên đường từ Bodh Gaya đến cửa ngõ thành phố Varanasi, xe chúng tôi chạy qua cây cầu hai tầng hiện đại bắc qua sông Hằng. Con sông dài 2.525 km này chảy qua cả Ấn Độ và Bangladesh. Sông Hằng rất linh thiêng đối với người theo đạo Hindu và là nguồn sống, nguồn cội văn hóa của Ấn Độ.
Chúng tôi dừng chân tản bộ xuống triền sông. Khá đông du khách và người dân đến chiêm ngưỡng và tắm gội. Nước sông không đến nỗi bẩn như những thông tin ta thường được biết cách đây mấy chục năm.
Cũng như những điểm du lịch khác, luôn có các cháu nhỏ và người lớn tiếp cận du khách, thân thiện, nhưng cũng sẵn sàng xin tiền của khách.
Một nhóm người lớn và trẻ em nam giới đang tắm gội cạnh bờ sông. Được tắm trên sông Hằng là một dịp may, nhưng theo Sư thầy Thích Tường Quang, trụ trì Chùa Đại Lộc ở Varanasi thì chỉ linh thiêng khi tắm lúc mặt trời chưa mọc.
Theo lời Sư thầy Thích Tường Quang, người đã nhiều năm sống ở Varanasi, nước sông Hằng giờ đây đã sạch tới 90% so với trước nhờ các chương trình làm sạch sông. Thầy cho biết, ngay cả thời kỳ sông bẩn nhất, người dân vẫn tắm gội, uống nước sông Hằng nhưng không có dịch bệnh nào. Có một số nghiên cứu cho rằng đáy sông Hằng có những khoáng chất có thể tẩy độc và khử trùng nước sông (?).
Đất nước Ấn Độ cực kỳ khô hạn. Đi cả buổi thỉnh thoảng mới thấy một khúc sông, một vũng nước. Nhưng lúa mì và cây cối vẫn tươi tốt. Đó là nhờ nguồn nước từ các giếng khoan. Hút nước nhiều nên nguồn nước ngầm cũng đang dần cạn kiệt.
Trên máy bay về Việt Nam, tôi tình cờ đọc được một bài báo dài trên một tờ báo Ấn Độ, cảnh báo về mùa khô hạn năm nay đến sớm. Hơn 40% giếng nước ngầm ở Ấn Độ đã sụt giảm mực nước so với trung bình nhiều năm… Vì thế, có một dòng sông như sông Hằng quả là một dòng vàng.
- Sarnath (Thượng Uyển): Chỉ còn khá nguyên vẹn một tháp hình trụ bằng gạch và đá, cao 43.6 mét, đường kính chỗ rộng nhất tới 28 mét. Phần lớn các tòa nhà và kiến trúc tại Sarnath đã bị hư hại hoặc bị phá nhưng đây vẫn là địa điểm thu hút nhiều du khách vì là nơi đức Phật có bài thuyết pháp đầu tiên với các đồ đệ.
Ở Varanasi có nhiều đền chùa do các phật tử từ Thái Lan, Myanmar, Sri Lanca, Việt Nam… xây dựng. Chúng tôi đã ghé thăm các chùa của người Thái, chùa Sri Lanca và ăn nghỉ tại chùa Đại Lộc của Sư thầy Tường Quang.
- Chùa Đại Lộc (Maha Sivali): Nằm sâu trong một khu dân cư ngoại ô, cách Sarnath 1,4 km. Theo một con đường đất ngoằn ngoèo qua những nhà dân và những lô đất đã được xây móng tường rào chờ lên giá, chúng tôi bước vào một không gian chùa Việt Nam thanh tịnh và ấm cúng.
Sư thầy, Tiến sỹ Phật học Thích Tường Quang chính là người đã có công quyên góp và trực tiếp phụ trách việc xây dựng chùa trong 5 năm cho đến khi khánh thành chùa năm 2014.
Ngôi chùa là một tượng Phật bằng đá sa thạch nặng 1.200 tấn, cao 24 mét, ngự trên tòa nhà bên trong là các pho tượng và ngai thờ. Trong khuôn viên rộng lớn của chùa còn có tháp chuông và tháp trống phỏng theo Chùa Một Cột ở Hà Nội. Cùng với Chùa - Tượng Phật là hai tòa nhà cao 4 tầng, đủ chỗ cho hàng trăm người nghỉ ngơi. Khuôn viên chùa được trồng nhiều cây ăn trái như mít, nhãn, chanh, bưởi, phật thủ… và những khoảnh đất trồng rau.
Thầy Tường Quang kể lại, sau khi học đại học tại Ấn Độ, thầy đã ở lại làm nghiên cứu sinh tiến sỹ để có đủ thời gian xây dựng chùa. Thầy đã giấu nhà trường trong suốt 5 năm điều hành việc xây dựng ngôi chùa. Đêm đêm, thầy mắc màn tại nhiều nơi trong khuôn viên chùa để “nghi binh” và ngủ trong một trong những nơi này để đề phòng kẻ gian hãm hại. Và khi khánh thành Chùa Đại Lộc cũng là lúc thầy bảo vệ xong luận án Tiến sỹ.
Ở độ tuổi 50, Thầy Tường Quang vẫn nhanh nhẹn. Sau bao nhiêu năm sống một mình, từ năm ngoái thầy đã bắt đầu đưa được những cháu nhỏ từ các chùa ở Việt Nam sang học hành. Thầy hy vọng sẽ có cháu nào đó sau này nối nghiệp tu hành và thay thế thầy trụ trì để chùa Đại Lộc vẫn sẽ do một người Việt Nam cai quản.
Cả chùa Việt Nam Phật Quốc Tự và chùa Đại Lộc đều nằm trong vùng hẻo lánh, không có được nhiều du khách và Phật tử hằng ngày đến thăm quan, hành lễ (đồng nghĩa với những đóng góp cho chùa) như các chùa Thái Lan, Nhật Bản, Sri Lanka… vì họ đến sớm, mua được những mảnh đất gần trung tâm các thành phố và tiện đường giao thông.
Nhưng cũng như ba bốn chùa Việt Nam khác trên đất Ấn Độ, chùa Đại Lộc là nơi hằng năm đón tiếp, cung cấp nơi ăn nghỉ cho hàng nghìn Phật tử và du khách từ trong nước sang hành hương và thăm đất Phật tổ.
Được ăn (chay) và nghỉ một vài ngày ở chùa Đại Lộc ở Varanasi và chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodh Gaya là một trải nghiệm thú vị đối với chúng tôi. Mới biết thế nào là cuộc sống giản dị, khổ hạnh, khiêm nhường và nhân hậu của những người xuất giá. Xin cảm ơn các nhà Sư và những chú tiểu đã ân cần tiếp đón và chăm lo chúng tôi chu đáo như vậy!
Với một đất nước rộng lớn và đông dân thứ nhì thế giới như Ấn Độ, hơn một tuần đi thăm chỉ như thoảng qua, chưa đủ “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng chừng đó thời gian được mắt thấy, tai nghe cũng có thể khẳng định những gì lâu nay tôi thường nghĩ về Ấn Độ. Và tất nhiên, cũng khám phá nhiều điều mới mẻ, ngạc nhiên và thú vị!