Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch đi tham quan và nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Trịnh Đăng Thanh (ảnh) - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ninh xung quanh về vấn đề này:
Thưa ông, ông có thể cho biết kết quả công tác kiểm tra của các ngành hữu quan tỉnh Quảng Ninh với đội tàu trên vịnh Hạ Long?
Vụ chìm tàu gần đây là sự cố do thủy thủ đoàn lơ là trong khi thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã nỗ lực khắc phục hậu quả vụ chìm tàu này. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; phối hợp cùng các sở, ban, ngành hữu quan. Chúng tôi đã rà soát 151 tàu ngủ đêm trên vịnh trong danh sách, trong đó đã kiểm tra 135 tàu. Các tàu khác đang lên đà kiểm tra định kỳ nên chúng tôi chưa kiểm tra được. Các tàu cơ bản đáp ứng về yêu cầu, với những tàu có một vài tiêu chí chưa được đáp ứng, chúng tôi yêu cầu chủ tàu phải khắc phục. Khi kiểm tra lại, nếu không đạt yêu cầu, các ngành chức năng của tỉnh sẽ cho các tàu này dừng hoạt động.
Vậy thưa ông, các ngành chức năng đã có những giải pháp nào để không xảy ra những vụ tương tự?
Kết quả đợt kiểm tra vừa rồi cho thấy, tất cả thuyền viên đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Chỉ có khoảng 10 thuyền viên chưa có chứng chỉ học về nghiệp vụ du lịch. Ngành hữu quan sẽ kiểm tra nghiêm ngặt việc này để thuyền viên trên tàu được đào tạo bài bản và có trách nhiệm cao hơn nữa khi phục vụ khách. Mặc dù các thuyền viên, người phục vụ trên tàu đã có chứng chỉ về chữa cháy, bơi lội, nghiệp vụ du lịch từng vị trí trên tàu, nhưng sau đợt này, các chủ tàu, thuyền viên sẽ được đào tạo bài bản hơn, trong đó nhấn mạnh về trách nhiệm, ý thức của họ.
Cảnh sát giao thông đường thủy Quảng Ninh kiểm tra các trang thiết bị cứu hộ, PCCC trên tàu du lịch. Ảnh: Đinh Mạnh Tú-TTXVN |
Các ngành hữu quan thành lập tổ liên ngành chuyên giám sát hoạt động tàu ngủ đêm trên vịnh, có lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để khắc phục mọi sự cố; tăng cường giáo dục đào tạo nâng cao ý thức trách nhiệm thủy thủ đoàn, nhất là thuyền trưởng, máy trưởng, tất cả thuyền viên về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ... Qua đó, để hình thành văn hóa phục vụ của người Hạ Long khi làm du lịch.
Qua sự cố vừa rồi cho thấy, việc cứu hộ tại chỗ rất quan trọng, vậy ngành hữu quan Quảng Ninh có đề ra biện pháp cụ thể?
Hiện nay, lực lượng cứu hộ trực tiếp là thủy thủ đoàn. Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm, yêu cầu chủ tàu, thủy thủ tập trung vào an toàn cho du khách. Công tác quản lý nhà nước sẽ khắt khe hơn, chặt chẽ hơn; bảo đảm tất cả thuyền viên, chủ tàu biết đây là trách nhiệm chung của họ đối với du lịch Quảng Ninh. Chúng tôi cũng mời chuyên gia, hiểu biết về cứu nạn cứu hộ để huấn luyện thủy thủ đoàn tốt hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường (thực hiện)