Đảm bảo cơ sở vật chất gắn với phòng, chống dịch
Nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở vật chất được coi là vấn đề cốt lõi để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận. Từ đó, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, cơ sở lưu trú… đã chủ động có kế hoạch hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng, phục hồi cơ sở vật chất để đón khách quốc tế.
Hoàng Ngọc Resort (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết) là một trong những đơn vị chuẩn bị khá sớm và kỹ lưỡng các điều kiện để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại. Trong đó, đơn vị tập trung vào khâu nâng cấp, sửa chữa lại toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng từ sảnh lễ tân, nhà hàng, hồ bơi đến buồng phòng. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách.
Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc đối ngoại Hoàng Ngọc Resort cho biết, mọi công tác chuẩn bị đều được thực hiện trong vòng 2 tháng qua và giờ chỉ chờ khách quay trở lại.
Bình Thuận vốn có thế mạnh về các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, đây cũng là điểm thu hút khách quốc tế. Vì vậy, các khu du lịch đều hướng tới xây dựng và nâng cao sản phẩm du lịch lợi thế này.
Theo bà Kristy Marland, Giám đốc điều hành Blue Ocean Resort, đơn vị đang tập trung hoàn thiện các bước chuẩn bị hạ tầng, cơ sở vật chất, trong đó chú trọng cải tạo không gian xanh, sạch, xây dựng khu du lịch là điểm đến an toàn. Đồng thời, đơn vị liên hệ với các công ty lữ hành giới thiệu gói sản phẩm của mình, nhấn mạnh lợi thế về không gian phù hợp với hoạt động nghỉ dưỡng, thể thao trên bãi biển tốt cho sức khỏe.
Có thể nói, qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các cơ sở du lịch, dịch vụ, lưu trú trên đã dần thích nghi, chuyển đổi giữa việc không có dịch bệnh và sống chung với dịch. Không chỉ khi đón khách quốc tế, ngay từ khi mở cửa du lịch đến nay, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư, chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Các doanh nghiệp du lịch đều xác định đảm bảo an toàn là tiêu chí hàng đầu. Tất cả nhân viên, người lao động đều đã tiêm đủ liều vaccine và được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch cũng như kỹ năng xử lý nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến nhân lực của ngành du lịch thiết hụt. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, phần lớn người lao động trong ngành du lịch đã bắt đầu quay trở lại, nhất là nhân lực có tay nghề cao và nhiệt huyết. Nhiều doanh nghiệp đã có chính sách riêng, chương trình đào tạo, bồi dưỡng người lao động.
Theo ông Trần Văn Sang, nhờ chính sách hỗ trợ nhân viên trong suốt mùa dịch nên đơn vị “giữ chân” được hơn 60% người lao động. Đây đều là đội ngũ nhân viên có tay nghề cao và gắn bó lâu năm với resort. Vì vậy,khi mở cửa du lịch hoàn toàn, đơn vị không gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng nhân sự và đến nay, nguồn nhân lực đã đảm bảo số lượng 100%.
“Bên cạnh thị trường truyền thống của Mũi Né, Bình Thuận trước đây, chúng tôi hướng tới đa dạng hóa các thị trường khác như Đức, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch… Để nâng cao chất lượng phục vụ, chúng tôi tổ chức đào tạo lại cho tất cả nhân viên từ thay đổi tư duy tiếp cận đến kỹ năng phục vụ, kiến thức phòng, chống dịch”, ông Trần Văn Sang cho biết.
Kể từ khi mở cửa đón khách đến nay vì lượng khách chưa nhiều, chưa ổn định nên đa phần các cơ sở du lịch đều duy trì ở mức 50- 60% nhân viên, người lao động. Các đơn vị chủ động, linh hoạt bố trí lại nhân sự, vị trí việc làm vừa đảm bảo bộ máy hoạt động vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Đại diện một số cơ sở du lịch cho biết, hiện nay, việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao tương đối khó vì các nơi đều có nhu cầu. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực, kịp đón khách quốc tế trong tháng 3 này, bên cạnh chính sách tăng lương cho lao động có tay nghề, các đơn vị chú trọng tuyển dụng đội ngũ nhân sự trẻ được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng; đồng thời thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng nghề cho người mới.
Theo kế hoạch tổ chức đón khách du lịch quốc tế của tỉnh, lộ trình đón khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 5-14/3, tỉnh sẽ đón khách du lịch là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong trường hợp đảm bảo các yêu cầu. Giai đoạn 2, sau ngày 15/3, mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài quy định chung đối với khách du lịch, Bình Thuận xây dựng quy trình đón khách cụ thể từ đăng ký chương trình du lịch, chuẩn bị trước chuyến bay, thực hiện quy trình nhập-xuất cảnh đến đón và phục vụ khách khi tới địa phương và phương án xử lý tình huống y tế phát sinh…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, Bình Thuận đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có 220.000 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng...Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở lưu trú, du lịch, dịch vụ được phê duyệt kế hoạch đón khách an toàn. Trên cơ sở này, các cơ sở lưu trú du lịch và điểm tham quan đăng ký đảm bảo đủ điều kiện đón, phục vụ khách quốc tế (theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở sẽ kiểm tra, đánh giá lại. Với điều kiện như vậy, Bình Thuận hoàn toàn có thể đón khách quốc tế với mục tiêu mà ngành đã đề ra.