Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã có những bước tăng trưởng khá ổn định. Lượng khách đến Bình Thuận tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã gây hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực này. Để khôi phục các hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường mới, thông qua chương trình, tỉnh mong muốn tăng cường mối liên hệ, gắn kết, chia sẻ cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch đồng thời tìm kiếm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, tỉnh Bình Thuận cam kết đảm bảo xây dựng một điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, chất lượng bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường; nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường đầu tư phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với tình hình thực tế đặc biệt là sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao… Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ số phục vụ du lịch, tạo sự tiện ích cho du khách và phù hợp với việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi tham gia các hoạt động du lịch.
Tại Chương trình, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú tại Bình Thuận đã giới thiệu, công bố các gói sản phẩm du lịch an toàn, chương trình ưu đãi kích cầu du lịch trong thời gian tới, nhất là trong dịp Chào năm mới 2022 và Tết Nguyên đán. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận điểm mạnh và yếu của du lịch Bình Thuận; phương hướng xây dựng sản phẩm, thiết kế các tour du lịch phù hợp tình hình mới cũng như đề xuất giải pháp phục hồi ngành du lịch và các thị trường du lịch trọng điểm đối với Bình Thuận.
Ông Erkan Tuncaakar, đại diện Công ty GoVacation Việt Nam cho biết: TP Hồ Chí Minh là thị trường trọng điểm của du lịch Bình Thuận; sự kết nối giữa hai địa phương là rất cần thiết. Các doanh nghiệp lữ hành cần xây dựng nhiều kịch bản để sẵn sàng đưa khách đến, trong đó, đảm bảo an toàn cho du khách tiêu chí hàng đầu. Bên cạnh đó, có thể tham khảo cách làm của một số địa phương khác trên thế giới.
Theo ông Erkan Tuncaakar, để du lịch khôi phục trở lại cần rất nhiều yếu tố, trong đó du lịch liên vùng là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, quảng bá du lịch địa phương. Mỗi một điểm đến cần liên kết với nhau, không nên làm riêng lẻ. Thực tế tại một số địa phương, việc mở cửa du lịch riêng lẻ mang lại hiệu quả không cao, lượng khách không nhiều. Nếu có sự mở cửa đồng bộ, liên kết vùng trong cả nước thì du lịch mới hiệu quả…
Còn theo ông Lý Việt Cường, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Nam Phương, vấn đề liên kết như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào mức độ kiểm soát dịch của địa phương. Trước mắt, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành cần liên kết với nhau trước, sau đó nới lỏng liên kết, mở rộng dần. Bình Thuận là địa phương du lịch quen thuộc với du khách từ TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để thu hút du khách, các doanh nghiệp du lịch cần làm mới các gói sản phẩm của mình. Đồng thời, Bình Thuận cần khai thác lợi thế thiên nhiên để tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng hơn như du lịch sinh thái, khám phá…
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Viettel Bình Thuận hợp tác triển khai và công bố Sàn giao dịch du lịch trực tuyến. Đây là giải pháp hướng đến mở rộng và hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn bình thường mới, góp phần phục hồi thị trường du lịch.