Buổi sớm ở Nà Ó thật trong lành, những luống rau xanh mướt đọng những hạt sương long lanh, tiếng chim, tiếng gà đua nhau gọi bầy. Tiết trời buổi sáng lành lạnh, mọi người thức giấc và ngồi quây quần quanh bếp lửa hồng chuẩn bị đón chào một ngày mới ở vùng cao.
Độ 5 năm trước, những đoàn khách du lịch, nhất là khách “Tây” thường kéo đến bản Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang). Họ đến đây để lao động, ăn ở chung với đồng bào bản địa. Cũng có nhiều đoàn đến đây vào tuần tình nguyện thu gom rác thải, giúp dân trồng rừng, thu hoạch rau màu...
Những ngày giữa tháng ba, chúng tôi đi hơn 100km từ TP Bắc Giang tới Nà Ó và ở đây 2 ngày cùng với bà con. Từ trung tâm xã An Lạc, con đường bê tông nhỏ chỉ đủ hai chiếc máy cày tránh nhau, hai bên là những thửa ruộng khoai tây đang vào mùa thu hoạch. Khí hậu ở Nà Ó luôn hiền hòa vì xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh và dòng suối nằm lẫn những khu vườn cây trái và nếp nhà đất đơn sơ. Bản nằm lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ, sương mù giăng từng khoảng lơ lửng ngay phía sau nhà. Bản vùng cao yên ắng, lặng lẽ đến mức dường như ta chỉ cảm nhận được tiếng chim hót, gà gáy và nước suối rì rầm, một miền thiên nhiên xanh mướt trước mắt tôi. Một cảm giác thật bình yên, nhẹ nhàng đã thoáng trong đầu tôi khi vừa đặt chân tới miền sơn cước này.
Bản có 52 hộ, trong đó dân tộc Tày chiếm 75%. Ấn tượng đầu tiên là những nếp nhà sàn, nhà đất ngả màu nâu được đồng bào trang điểm thêm những hàng rào bằng tre nứa khá đặc trưng, thân thiện. Mặc dù phía trong bản chỉ toàn đường đất nhưng người dân ý thức chăm chút, dọn dẹp khá sạch sẽ, phong quang. Tới đầu bản Nà Ó lúc 10 giờ nhưng đoàn chưa vào trong bản mà tạm nghỉ lại tại một nhà sàn bên bìa rừng của một gia đình người Tày rồi vượt rừng theo chương trình đã được lập sẵn. Những người dân bản địa đã nhiệt tình đưa đoàn thăm thú hơn 4 giờ trong rừng sâu. Đi trên máng nước bắc bê tông làm đường dài hơn 5 km được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông Dìn - một người dân trong bản cho hay: Khi chưa có máng nước này, các cánh đồng trong xã thường xuyên bị khô hạn. Để hoàn thành công trình, hàng trăm công nhân phải mất khá nhiều công sức trong vòng hai năm. Điều đáng nói là mỗi khi đào đất gặp những khối đá lớn, đồng bào phải dùng củi gỗ lim đốt trực tiếp cho lở đá rồi lấy xà beng, búa, dùi đục thủng đá. Đó được xem là một kỳ tích mà dân bản trong vùng kể lại với một niềm trân trọng, khâm phục.
Ngày nay, rãnh nước được lắp bê tông và cũng chính là đường đi vào sâu trong rừng. Anh Cao, một người bảo vệ rừng tại đây cho biết: Khu rừng nguyên sinh rộng hàng nghìn ha, nhiều loại gỗ quý như lim, táu, sến, thông làng, trám, bách diệp… Đặc biệt rừng có pơmu, thứ cây thường chỉ mọc ở độ cao 1.200- 1.400m nhưng vẫn tồn tại ở Khe Rỗ với độ cao chỉ 600-700m và bạt ngàn tre trúc… đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Men theo các lối mòn vào tận sâu khu rừng nguyên sinh, thả bộ, luồn lách dưới những tán gỗ cổ thụ để cuối chiều khi đã thấm mệt thì tất cả lê bước chân nặng trĩu xuống nhà dân bản ăn, nghỉ qua đêm. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống và tắm nước lá cây đặc trưng chỉ có ở núi rừng tây Yên Tử.
Dù chưa phải chuyên nghiệp nhưng các hộ dân Nà Ó đã có ý thức trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan bản làng. Hộ nào cũng chăm chút cho căn nhà sạch sẽ, thoáng mát, cho khu vườn nhiều hoa trái, chuồng trại chăn nuôi được bố trí xa nơi ở.
Gia đình bà Châu Thị Sẹc, dân tộc Tày, là một trong 5 hộ ở Nà Ó được chọn làm địa điểm lưu trú cho khách du lịch. Hai năm qua, các thành viên trong gia đình luôn ý thức giữ gìn vệ sinh nhà cửa, sân vườn. Khuôn viên mát mẻ, với hoa quả "mùa nào thức nấy" ngát hương là thế mạnh hút khách tìm đến đây. Bà Sẹc cho hay: "Cách đây hai tháng, nhà tôi có 6 người nước ngoài đến ở chung, họ còn rất trẻ và thích tìm hiểu văn hóa dân tộc, mong muốn được tham gia việc nhà như trồng rau, lấy củi, vào bếp nấu cơm, thu gom rác thải… Khách cũng rất thích được tắm và xông hơi bằng những loại lá thuốc lấy trên rừng”.
Nhiều du khách chọn cách ngủ qua đêm tại nhà sàn trong rừng, ở đó chỉ có một hai cán bộ kiểm lâm và tiền ngủ mỗi người chỉ phải trả 20.000 đồng/đêm. Trong rừng không có điện lưới và không sóng điện thoại nên chỉ những nhóm thanh niên mạo hiểm mới nghỉ qua đêm, họ thường ra suối đánh cá, bắt ốc và nấu ăn tại chỗ… Ông Nguyễn Minh Bình, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu, khảo sát phát triển bền vững cho biết: Xét về điều kiện tự nhiên, văn hóa và địa lý An Lạc rất thích hợp để xây dựng du lịch cộng đồng. Vì từ đây sang Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ vài chục km.
Bài và ảnh: Kim Sa