Các chủ tàu không đồng tình chuyển màu sơn tàu du lịch Hạ Long

Sáng 9/1, tại hội nghị triển khai Quyết định số 10/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh do Liên minh hợp tác xã – doanh nghiệp ngoài quốc doanh Quảng Ninh tổ chức, tất cả các chủ tàu lớn đang hoạt động kinh doanh vận tải du lịch trên Vịnh Hạ Long đều nhất loạt không đồng tình với việc quy định sơn màu trắng vỏ tàu.

Theo Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 5/1/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh quy định: Trước ngày 30/4/2012, các tua du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long phải thực hiện sơn vỏ tàu màu trắng và lắp cánh buồm nâu (nếu tàu có sử dụng buồm). Bề mặt sơn quy định như sau: Sơn màu trắng vỏ tàu từ mớn nước không tải trở lên, kể cả phần cabin); tàu du lịch có đầu rồng thì được phép sơn đầu rồng màu sơn truyền thống, dân gian. Dự kiến tổng số tàu phải sơn lại lên tới 502 con tàu.

Lý do để chính quyền địa phương đưa ra Quyết định trên là: Để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ du lịch, hướng tới việc xây dựng thương hiệu mang tính quốc tế cho du lịch Quảng Ninh, đặc biệt khi theo kết quả sơ bộ của tổ chức New Open World, Vịnh Hạ Long được tôn vinh là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.



Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN


Tuy nhiên, các chủ tàu không đồng tình đó bởi nó làm thay đổi lớn về văn hóa, truyền thống; gây tốn kém hàng chục tỷ đồng. Ông Bùi Cao Sơn, Giám đốc Công ty du thuyền Hạ Long kiêm Phó chủ tịch Chi hội du thuyền Hạ Long cho biết: Sản phẩm tàu du lịch Hạ Long là một sản phẩm du lịch đặc thù với con tàu màu gỗ tự nhiên và cánh buồn nâu, trở thành nét đặc trưng của du lịch Hạ Long, được quảng bá hình ảnh đi khắp thế giới và đã in sâu vào tiềm thức của khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Sơn phân tích thêm: kiến trúc, thiết kế tàu du lịch của phương đông giàu tính văn hóa bản địa, truyền thống tạo nên sự khác biệt, dẫn đến giá trị thương hiệu độc đáo, không thể nhầm lẫn giữa các vùng miền và tạo ra sự quyết rũ duy nhất của sản phẩm du lịch. Ông Sơn khẳng định: màu sơn trắng chỉ phủ hợp với loại tàu mới hiện đại, được làm bằng chất liệu composít hoặc vỏ thép.

Các chủ tàu cho rằng: thuyền màu trắng và một số màu khác nữa thực chất đã từng có mặt trên Vịnh Hạ Long từ rất lâu, tuy nhiên, đã sớm bị thay thế một cách tự nhiên vì nhiều điều kiện không phù hợp với đặc thù thuyền gỗ như dễ bẩn, dễ rạn sơn, lộ chân đinh và nhanh chóng “xuống sắc”. Trải qua nhiều loại màu, hình ảnh những con thuyền nâu cánh gián trầm ấm đã được lựa chọn và dần trở thành thương hiệu của du lịch Hạ Long trong mắt bạn bè quốc tế. Hầu hết chủ tàu tại cuộc họp đều khẳng định, màu sắc đậm đà ấy đã là truyền thống, bản sắc của du lịch địa phương, không nên thay đổi.

Ông Bùi Quang Đạo – Đại diện tàu Phương Đông Galaxy gay gắt phản đối quyết định này và được nhiều đồng nghiệp ủng hộ. Họ cho rằng, khách quốc tế đến Vịnh Hạ Long với mong muốn được thấy những gì của Hạ Long, những gì khác với nơi họ sống, chứ không để thấy những con thuyền na ná thuyền du lịch ở đất nước họ. Ông Đào Mạnh Lượng, Chủ tịch chi hội du thuyền Hạ Long: nếu phải sơn lại màu trắng cho tàu thì các doanh nghiệp phải gánh khoản chi phí từ 30 đến 40 tỷ đồng.

Văn Đức

Tàu du lịch Hạ Long có nên “mặc đồng phục” trắng?
Tàu du lịch Hạ Long có nên “mặc đồng phục” trắng?

Ngày 5/1, tỉnh Quảng Ninh có văn bản thông báo hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long phải sơn màu trắng vỏ tàu xong trước ngày 30/4/2012. Thông báo này đang nhận phải sự phản ứng từ chính các đơn vị kinh doanh loại hình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN