Mới đây khách sạn Metropole Hà Nội mở cửa trở lại căn hầm tránh bom tại khách sạn Metropole Hà Nội giai đoạn 1965-1972 và có mời một số nhân chứng đến dự việc mở cửa trở lại căn hầm thành điểm tham quan du lịch tại Hà Nội. Đây có thể coi là một chứng tích của giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc 1965-1972 và là hoạt động có ý nghĩa trong việc hướng tới kỷ niệm 40 năm trận “Điện Biên Phủ trên không” những năm cuối 1972.
Trong hầm tránh bom tại khách sạn Metropole Hà Nội. |
Căn hầm qua lời kể của các nhân chứng nước ngoài và những người từng làm tại đây góp phần tái hiện lại hình ảnh cuộc chiến tới du khách quốc tế.
Phóng viên người Philíppin, bà Gemma Cruz Areneta:
Tôi và chồng đến Hà Nội vào tháng 5/19; lúc đó chuyến thăm của chúng tôi đến miền Bắc Việt Nam là chuyến thăm tuyệt mật. Trong thời kỳ ác liệt đó, khách sạn này được gọi là khách sạn Thống Nhất và là nhà của chúng tôi trong gần một tháng. Từ “Thống Nhất” như muốn nói với những khách quốc tế lưu lại khách sạn này mong muốn thống nhất hai miền.
Bà Gemma Cruz Areneta đang trao đổi với phóng viên. |
Ngay khi chúng tôi đặt chân đến khách sạn vào thứ sáu, 17/5, chúng tôi nhìn thấy một số tấm biển ghi “abri” – hầm trú ẩn và mũi tên hướng dẫn tới vị trí căn hầm. Tôi đã hi vọng là mình sẽ không bao giờ phải sử dụng “abri”. Thế nhưng chúng tôi đã phải lao tới hầm trú ẩn hai lần.
Vậy, những gì tôi chứng kiến tại miền Bắc Việt Nam tháng 5 thời kỳ đó có thể tóm gọn trong một từ “Quyết thắng!”. Tiếng hô được viết ở mọi nơi – đỉnh núi, trên bờ tường lấm bùn, trong túp lều của người nông dân, trên những tòa nhà đổ nát của thành phố. Thậm chí nó còn được dệt trên túi làm bằng sậy. Người Việt Nam không chiến đấu bằng súng không thôi mà còn bởi tinh thần yêu nước và tin chắc rằng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của họ là chính đáng.
Trở lại khách sạn Metropole sau 44 năm vào đúng sự kiện mở cửa lại “abri” – căn hầm đáng nhớ làm tôi rất bồi hồi. Tôi có dịp đi dạo quanh Hà Nội và khu phố cổ thấy cảnh thật yên bình, và không ai nghĩ nơi đây từng có cuộc chiến tranh khốc liệt. Giới thiệu căn hầm cũng là giới thiệu lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của các bạn.
Ông Bob Devereux, nhà ngoại giao Ôxtrâylia:
Đầu năm 1975, Ôxtrâylia là nước có đặt sứ quán tại hai miền Bắc và Nam Việt Nam. Thời đó, trụ sở sứ quán nằm ngay trong khách sạn Thống Nhất. Hồi đó Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh thiếu thốn nhiều thứ, thức ăn, quần áo, điện nước..., nhân viên sứ quán được phát một tập phiếu lương thực dùng cho các bữa ăn. Chúng tôi biết mình may mắn hơn nhiều người địa phương lúc đó. Đường phố Hà Nội rất an toàn và yên ắng vào buổi tối nên tôi thích đi dạo quanh khách sạn. Thậm chí tôi còn mua đồ hải sản và thức ăn ở đường phố và nhờ đầu bếp khách sạn nấu giúp.
Ông Bob Devereux xuống hầm. |
Cho đến cuối kỳ công tác của mình vào năm 1976, tôi vẫn thường xuống Hải Phòng nhiều lần nhận hàng gửi từ Ôxtrâylia qua đường biển. Do không có phòng còn trống nên nhân viên sứ quán lúc đó tận dụng hầm để đồ. Tôi còn để rượu trong đó. Trong hầm rất tối, ảm đạm và hay bị ngập. Nói thật là tôi không nhớ mình đã khắc tên lên vách hầm và tôi cũng tò mò xuống hầm để nhớ một thời đã qua…”.
Ông Cao Xuân Nhã, chuyên viên Ban Đối ngoại:
Đây là hầm trú bom để bảo vệ khách quốc tế đến miền Bắc, đặc biệt là vào những năm 1971 -1972. Tôi và cộng sự ở UB Đối ngoại chịu trách nhiệm tổ chức những chuyến thăm quốc tế đến miền Bắc và ở tại khách sạn Thống Nhất nay là khách sạn Metropole
Hai vị khách ông ấn tượng nhất là ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Joan Baez, có lần khi máy bay ném bom, ca sĩ này đem theo cả đàn hát cho mọi người nghe và khi đưa đi thăm một số địa điểm ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều có hầm trú bom khi máy bay. Hầm tránh bom rất nhiều thời kỳ đó và sau này ca sĩ có sáng tác và hát bài “Where are you now my son?” (Con trai ơi, giờ này con ở đâu?) và có đoạn dịch sang tiếng Việt: Chúng tôi tụ tập ở sảnh chờ đón Giáng sinh… Trở lại căn hầm tránh bom nơi có hai người phụ nữ ở đó… Rực sáng hơn hết thảy những quả bom ném xuống Hà Nội đêm đó… Đặc biệt nền bài hát được ghi âm lại không gian thời đó, có tiếng còi, loa thông báo mà giờ ai nghe lại cũng thấy bồi hồi.
Vị khách thứ hai tôi ấn tượng là ông Salvador Allende Gossen, một chính trị gia người Chilê. Thời đó, khi máy bay Mỹ chuẩn bị ném bom Hà Nội, tôi có yêu cầu mọi người xuống hầm. Ông Allende rất bình tĩnh và quan sát công tác chuẩn bị đối phó, chuẩn bị chiến đấu của quân dân ta. Ông Allende lúc đó có chia sẻ là học hỏi được rất nhiều tinh thần đấu tranh của người dân Việt Nam. Sau đó về nước, ông đã đấu tranh cho dân tộc mình và trở thành Tổng thống Chilê.
Khi phát hiện hầm tránh bom trong khách sạn Metropole Hà Nội, tôi và rất nhiều bạn bè rất ủng hộ việc khôi phục căn hầm này. Sau 40 năm được quay lại đây, nhiều kỷ niệm có được về một thời tránh bom của cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lại ùa về. Hầm ngầm này nên được giới thiệu tới khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
*Ông Kai Speth. Giám đốc khách sạn Metropole Hà Nội cho biết: Việc phục dựng căn hầm là muốn chia sẻ câu chuyện lịch sử từng diễn ra tại khách sạn. Nhất là khách sạn Metropole được đánh giá là công trình kiến trúc lịch sử với bề dày 110 năm.
Sau khi phát hiện căn hầm này vào cuối năm 2011, chúng tôi quyết định khôi phục lại với mục đích tái hiện một phần không gian lịch sử của khách sạn trong thời kỳ những năm 1965-1972.
Trước mắt, chúng tôi giới thiệu cho du khách quốc tế đang lưu trú tại khách sạn và mở cửa cho khách vào thăm nhưng phải đăng ký trước; trong đó ưu tiên đoàn khách là học sinh, sinh viên.
Bài và ảnh: Xuân Minh