Nhiều quan điểm trái chiều
Quyết định tạm dừng hoạt động bến đò thuộc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đưa ra cách đây một tháng với lý do thực hiện các hoạt động phục hồi cảnh quan, bảo tồn giá trị Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An theo kế hoạch; sắp xếp, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đón, tiếp khách cho những người lái đò tại đây nhằm đảm bảo phục vụ khách du lịch tốt hơn thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần lý do trong các vấn đề chưa được giải quyết giữa doanh nghiệp quản lý, khai thác khu du lịch với những người lái đò tại địa phương. Cốt lõi vấn đề ở chỗ doanh nghiệp phải ký hợp đồng với người lao động, tuân thủ quy định của Luật Lao động, trong khi nhiều lái đò lại muốn làm việc theo cách cũ từ trước tới nay, không muốn ký hợp đồng.
Hàng chục năm qua, những người làm nghề lái đò tại đây có thói quen làm việc theo sự sắp xếp của bộ phận quản lý bến đò, mỗi người có một số đò, theo thứ tự đến lượt ai người đó chở đò và thu tiền công về hàng ngày. Cách làm này đã ăn sâu vào tiềm thức của những người lái đò nói riêng và nhân dân khu vực này nói chung. Vậy nên, khi có thông tin người lái đò phải ký kết hợp đồng với doanh nghiệp - người sử dụng lao động, nhiều lái đò không đồng ý do không muốn thay đổi thói quen cũ và bị ràng buộc bởi điều khoản trong hợp đồng. Ngoài ra, đa phần những người lái đò tại đây đều lớn tuổi nên lo ngại ảnh hưởng đến công việc sau này.
Bà Chu Thị Cư, lái đò lâu năm tại Khu du lịch chia sẻ, người dân ở Tam Cốc kiếm thêm thu nhập từ việc chở đò cho khách du lịch. Hoạt động này đang tạm dừng khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Bà mong muốn bến đò sớm hoạt động trở lại.
Một số lái đò mong muốn, bến đò hoạt động trở lại nhưng không cần phải ký hợp đồng vì nhiều người sắp hết độ tuổi lao động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các lái đò tại tuyến Tam Cốc phần lớn là người địa phương thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải. Trước đây, việc quản lý nhân lực lái đò, phát số đò dựa theo hương ước, tập tục thôn, làng. Chính việc "định danh" số đò vô hình trung đã tạo nên sự sở hữu, dẫn đến có sự mua bán, trao tặng số đò. Từ cách làm này, nhiều cá nhân sở hữu số đò nhưng trên thực tế họ không làm nghề lái đò mà chuyển cho người khác lượt đò đó với số tiền trao đổi được tính hàng năm hoặc nhiều năm.
Cần một giải pháp
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, được tỉnh Ninh Bình bàn giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường quản lý, khai thác từ năm 2012. Đại diện doanh nghiệp cho biết, thực hiện đúng quy định của Luật Lao động, nhiều lần, doanh nghiệp phối hợp với ngành chức năng vận động các lái đò ký kết hợp đồng lao động. Việc ký kết hợp đồng lao động vừa bảo đảm quyền lợi cho họ theo đúng quy định của pháp luật, vừa nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Qua các cuộc trao đổi với lái đò, doanh nghiệp đã điều chỉnh một số nội dung trong hợp đồng, đơn cử như sẽ trả tiền công thành nhiều lần/tháng. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ tăng mức tiền công từ 150.000 đồng/chuyến lên 200.000 đồng/chuyến kèm theo chế độ phúc lợi khác.
Trước thực tế này, ông Tạ Đức Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hải cho rằng, việc doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người lao động là đúng quy định và nguyên tắc. Tuy nhiên, còn một bộ phận lái đò băn khoăn về các điều khoản trong hợp đồng. Nhiều người lớn tuổi lo ngại sau khi ký hợp đồng sẽ không được lái đò do tuổi cao...
Ông Tạ Đức Nhàn cho biết, trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân, có 48 lái đò đồng ý ký kết hợp đồng lao động, trên tổng số 1.327 số đò hiện có.
Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, doanh nghiệp đã đưa ra dự thảo hợp đồng lao động và tiếp thu, chỉnh sửa, kèm theo các phụ lục. Ngành chức năng đang tích cực rà soát điều khoản trong hợp đồng để phù hợp nhất với quy định của pháp luật, lấy ý kiến các đội lái đò tại địa phương.
UBND huyện yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc tuyên truyền tới người dân để đạt được sự đồng thuận. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư khẳng định, việc doanh nghiệp ký kết hợp đồng đối với người lao động là đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên cần đảm bảo hài hòa giữa quy định và hương ước của nhân dân.
Trong khi người sử dụng lao động và người lao động vẫn loay hoay tìm tiếng nói chung thì thực tế việc tạm dừng hoạt động bến đò Tam Cốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân và hoạt động của ngành Du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho rằng, tuyến Đình Các - Tam Cốc thuộc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động từ lâu đã trở thành thương hiệu của du lịch địa phương. Việc tạm dừng hoạt động tuyến này đã ảnh hưởng đến du lịch địa phương, trong đó có những tour tuyến du khách đặt từ trước phải thay đổi lộ trình tham quan.
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, đối với doanh nghiệp được đấu thầu giao quyền khai thác điểm du lịch, họ có quyền lợi cũng như trách nhiệm, trong đó phải tuân thủ quy định ký kết hợp đồng với người lao động, ở đây là những người lái đò. Việc ký hợp đồng lao động, ngoài sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm của mỗi bên còn đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của người lao động. Việc ký hợp đồng dựa trên nguyên tắc, quy định chung và theo hương ước của nhân dân.
Thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng vận động để bà con thấu hiểu được việc ký kết hợp đồng lao động cũng như đảm bảo văn hóa, văn minh trong du lịch, tiến tới xây dựng trở thành điểm du lịch nổi tiếng, bền vững.
Thiết nghĩ, việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động cần dựa trên các quy định, nguyên tắc chung nhưng cũng không thể bỏ qua hương ước, quy ước của thôn, làng. Điều cần nhất hiện nay là làm thế nào để hài hòa giữa quy định của pháp luật và hương ước để Khu du lịch sớm hoạt động trở lại cũng như đảm bảo thu nhập cho người dân.