Dịp cuối tuần, chị Thu Giang tranh thủ cùng một số gia đình tại chung cư Giảng Võ (Hà Nội) tổ chức chương trình đi chơi dã ngoại tại Ba Vì (Hà Nội). Do cần tổ chức một số hoạt động cho trẻ em và chụp ảnh nên chị Giang có thông qua một bạn hướng dẫn viên quen trước đây đặt dịch vụ.
“Trong lúc tham gia trò chơi, một trẻ nhỏ bị ngã xây xát nên khi đó tôi mới biết toàn bộ chương trình do bạn hướng dẫn kia tự đặt dịch vụ và tổ chức, không mua bảo hiểm du lịch”, chị Giang chia sẻ.
Việc đặt dịch vụ qua những cá nhân tự quảng bá trên mạng xã hội hoặc tự làm nhờ có một chút “vốn liếng” kiến thức du lịch trong thời gian qua khiến nhiều du khách dễ rơi vào tình cảnh bị lừa đảo.
Chị Nguyễn Ngọc Lan (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có đặt mua voucher và một số dịch vụ lẻ qua một đối tượng lúc trước là nhân viên của một công ty du lịch lớn. Mới đây tiếp tục đặt voucher du lịch qua nhân viên này thì không sử dụng được mới biết là bị lừa khi đã chuyển khoản hơn 30 triệu đồng. Khi tìm hiểu thì được biết nhân viên này đã nghỉ làm tại công ty du lịch và không rõ địa chỉ ở đâu”.
Chị Lan đã chụp lại các đoạn giao dịch, ảnh nhân viên này và soạn sẵn đơn tố cáo và nhắn tin thông báo nếu không trả tiền thì sẽ báo công an với đầy đủ bằng chứng. “Kết quả, đối tượng kia sợ vướng vào pháp luật nên đã hứa sẽ trả dần mỗi tháng 5 triệu đồng", chị Lan chia sẻ.
Kể về loại hình du lịch nhỏ lẻ, giá rẻ nở rộ trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô thông tin: “Có khách hàng quen hỏi thuê một villa ở gần Hà Nội dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên do khách hỏi sát ngày nên chúng tôi đã không thể tìm được villa theo yêu cầu. Thời gian sau, khách hàng này chia sẻ là bị lừa khi đặt villa qua mạng. Tưởng đặt được villa đẹp giá rẻ nhưng khi đại gia đình mười mấy người tới villa đó thì đã có khách khác ở, nên phải xách vali về giữa trời nắng gắt. Không chỉ khách hàng bị lừa mà có mấy gia đình khác cũng bị lừa như vậy khi đặt qua mạng của các cá nhân mạo danh lừa đảo. Tưởng kỳ nghỉ lễ vui cuối cùng tiền mất mà mua bực tức cho cả gia đình".
Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Wondertour cho rằng: “Loại hình du lịch nhỏ do các cá nhân tự đặt diễn ra khá phổ biến sau dịch COVID-19. Những người tổ chức dịch vụ này thường chính là nhân viên trước đấy làm tại các đơn vị du lịch. Họ có sẵn tệp dữ liệu khách hàng, nên mời chào dịch vụ hoặc do khách quen nhờ đặt nên tự làm kết nối dịch vụ. Tuy nhiên, khi công việc suôn sẻ thì không sao nhưng nếu có sự cố thì thường “bỏ của chạy lấy người”.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, du lịch đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu đối với nhiều gia đình. Đánh trúng tâm lý "ham rẻ" của du khách nên hiện nay trên mạng xã hội các combo, voucher du lịch với mức giá khác nhau khiến khách hàng lạc vào "ma trận", từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
“Kinh doanh du lịch là kinh doanh có điều kiện và các đơn vị khi xin cấp phép lữ hành đều phải ký quỹ kinh doanh lữ hành. Do đó, khi tổ chức tour, nhất là với những chương trình có loại hình trải nghiệm mang tính hoạt động thể thao, đơn vị đều mua bảo hiểm du lịch. Hiện phí bảo hiểm du lịch được tính theo ngày và không quá cao nên không nhiều khách du lịch phàn nàn về phí này. Tuy nhiên, với cá nhân hoặc đơn vị không có chức năng kinh doanh lữ hành mà tự tổ chức tour du lịch đang vi phạm Luật Du lịch. Do đó, cơ quan quản lý địa phương có giải pháp xử lý nghiêm”, ông Lê Công Năng chia sẻ.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội kiến nghị Sở Du lịch Hà Nội xử lý nghiêm với các trường hợp, doanh nghiệp du lịch lừa dối khách hàng, vì chỉ cần một vài đơn vị làm sai, sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác. Qua đó mới tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.