Thu hồi “sao” Theo Tổng cục Du lịch, chiến dịch kiểm tra chất lượng dịch vụ hệ thống lưu trú toàn quốc nhằm góp phần nâng cao nhận thức, chấn chỉnh dịch vụ lưu trú bị buông lỏng trong thời gian quan.
Đoàn kiểm tra du lịch tại một khách sạn tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Tổng cục Du lịch |
Tại hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở Du lịch địa phương kiểm tra hàng chục khách sạn từ 3-5 sao. Tại Hà Nội, đã quyết định thu hồi “sao” của 8 khách sạn. Còn tại TP Hồ Chí Minh, đoàn đã có công văn nhắc nhở yêu cầu khắc phục những hạn chế trong thời gian 3 tháng đối với 6 khách sạn và thu hồi công nhận “sao” của khách sạn Oscar Saigon vì trang thiết bị cũ và xuống cấp.
Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch cũng triển khai kiểm tra tại các địa phương phát triển du lịch như Kiên Giang, Hạ Long (Quảng Ninh), Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Vũng Tàu, Lâm Đồng. Những địa phương khác sẽ tự chủ động triển khai đoàn kiểm tra. Đến nay, Tổng cục Du lịch đã ra quyết định thu hồi “sao” 21 khách sạn trên toàn quốc.
Ngoài công tác kiểm tra, Tổng cục Du lịch phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị quán triệt về việc nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú để lãnh đạo các cơ sở lưu trú phổ biến tới từng bộ phận và nhân viên. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Chiến dịch tổng rà soát và nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú đang triển khai nhằm đem đến sự hài lòng cho du khách, từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực về chất lượng dịch vụ trong toàn ngành, làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam”.
“Với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là nơi đón tiếp 90% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thì việc chấn chỉnh này càng phải làm thường xuyên. Thực tế bên cạnh khách sạn được công nhận sao, tại khu vực phố cổ Hà Nội xảy ra tình trạng nhiều khách sạn tự gắn sao. Điều này gây không ít hiểu nhầm và thắc mắc cho du khách. Do đó, các ngành chức năng kiểm tra cả các khách sạn 1-3 sao”, đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết.
Bước chuyển về chất lượng
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, việc nâng cao chất lượng du lịch là gắn với hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp về nâng cao doanh số, lợi nhuận, sức cạnh tranh. Cùng với việc thanh, kiểm tra, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối các cơ sở đào tạo về du lịch của thành phố với các doanh nghiệp để thường xuyên mở các lớp đào tạo, đào tạo lại về nhân lực du lịch, phục vụ nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtours cho rằng: “Chiến dịch rà soát, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú là khâu đột phá cho du lịch. Thực tế, chất lượng của các khách sạn mới xây dựng ở Việt Nam trong những năm gần đây rất tốt, áp dụng được các công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta rất khó đánh giá về chất lượng nhân sự như: Lễ tân, buồng, bàn, bar… là những kỹ năng mềm. Do vậy, ngành cần phải vận động, tạo điều kiện cho các cơ sở hoàn thiện chất lượng dịch vụ bằng cách tổ chức các lớp đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ của những người làm trong ngành du lịch. Khi những người làm du lịch cải thiện được những kỹ năng mềm, thái độ phục vụ với du khách thì chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được nâng lên”.
Cũng qua đợt kiểm tra, ngành du lịch sẽ đúc rút những “lỗ hổng” trong thực thi chính sách quản lý để từ đó quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trong Luật Du lịch sửa đổi sắp tới để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình lưu trú và đảm bảo chất lượng dịch vụ, qua đó nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam.