Vì vậy, áo dài mới chỉ dừng ở nét văn hoá và hình ảnh, chưa được tận dụng để phát triển du lịch về mặt sản phẩm, mang lại doanh thu.
Áo dài sẽ có nhiều cơ hội để "sống" hơn nếu trở thành sản phẩm du lịch. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN. |
Chúng ta có thể biến không gian phố đi bộ ở Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ ở các thành phố du lịch ở Việt Nam thành không gian tràn ngập áo dài được mặc bởi học sinh, sinh viên, người dân, cũng như du khách trong và ngoài nước.
Khi đó, áo dài sẽ là điểm nhấn, tô điểm cho không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. Khách du lịch sẽ thích thú chụp ảnh và chia sẻ trên trang cá nhân, mạng xã hội của họ. Đó sẽ là cách quảng bá du lịch miễn phí mà lại hiệu quả cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc mặc áo dài cũng giúp khôi phục nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tràng An văn minh thanh lịch nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Ngoài việc tổ chức mặc áo dài, có thể khuyến khích phát triển các cửa hàng bán và cho thuê áo dài ở khu vực phố đi bộ. Tối thứ bảy hàng tuần, sẽ trình diễn show áo dài của các nhà thiết kế trên đoạn cầu Thê Húc - đài phun nước và đoạn nhà cổ 87 Mã Mây - đền Bạch Mã.
Hay có thể xây dựng tour áo dài cho du khách quốc tế; với hành trình đến không gian phố đi bộ tràn ngập áo dài, xem các show áo dài, đến làng lụa Vạn Phúc mua vải may áo dài hoặc may đo áo dài từ bình dân đến cao cấp của các nhà thiết kế nổi tiếng
Khi nhiều người mặc áo dài thì việc kinh doanh áo dài cũng sẽ phát triển, qua đó vừa bảo tồn phát huy được áo dài, vừa tạo giá trị gia tăng cho tour và lợi nhuận cho những nghệ nhân may áo dài, lụa Vạn Phúc...