Nắm bắt điều này, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đang từng bước thay đổi cách quảng bá, xúc tiến; trong đó chú trọng công tác quảng bá điểm đến trên nền tảng số. Hướng đi này càng khẳng định tính ưu việt khi các giao dịch du lịch theo phương thức truyền thống đang có xu hướng chuyển sang môi trường số, không chỉ giúp ngành du lịch tiếp cận khách hàng dễ dàng mà còn trở thành đòn bẩy cho sự phục hồi, phát triển du lịch Bình Thuận.
Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, website, ứng dụng (app) tìm kiếm sản phẩm du lịch, giá phòng khách sạn, vé máy bay, tàu xe... của người dân, du khách hiện nay khá phổ biến. Vì thế, ngành du lịch Bình Thuận đã phát triển đồng loạt hệ sinh thái truyền thông trực tuyến gồm website, facebook, instgram, youtube… Từ đó, các hoạt động du lịch trực tuyến, không gian trải nghiệm du lịch thực tế ảo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu, tăng cường trải nghiệm cho du khách và cải thiện môi trường du lịch.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Bình Thuận là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách Việt Nam nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung. Do đó, du lịch Bình Thuận phải từng bước phấn đấu để hiện đại, văn minh và hòa vào dòng chảy công nghệ mới… Ngành du lịch đặc biệt quan tâm nhiều vấn đề, trong đó việc ứng dụng công nghệ, thiết lập các cổng du lịch thông minh điện tử, sàn giao dịch điện tử và ứng dụng trên không gian mạng là rất cần thiết.
Thực hiện Chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa dữ liệu du lịch trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương, từ cuối năm 2021, Bình Thuận triển khai lắp đặt bộ mã QR (mã phản hồi nhanh) thông tin tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Đến nay, tỉnh triển khai lắp đặt bộ mã QR code tại 11 điểm tham quan. Tại các điểm này, khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại hoặc các thiết bị thông minh quét mã QR sẽ được chỉ dẫn đến đường link website chính thống của ngành du lịch. Tại đây, tất cả nội dung thông tin, hình ảnh và video clip giới thiệu về điểm đến sẽ được hiển thị.
Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, sử dụng mã QR đang trở thành xu hướng giúp đơn giản hóa việc cung cấp thông tin tới khách du lịch; đồng thời phù hợp với hoạt động tham quan du lịch trong trạng thái “thích ứng phòng, chống dịch” vì không cần tập trung đông người để nghe thông tin về điểm đến.
Anh Trần Trọng Nghĩa, người dân thành phố Phan Thiết cho biết, nhờ mã QR, ngay từ khi tới điểm tham quan, anh nắm được toàn bộ thông tin, lịch sử cũng như những hình ảnh, bài viết về nơi này.
Theo chị Đặng Minh Ngọc, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, việc quét mã QR tại các điểm tham quan rất tiện ích. Khi có những thông tin ban đầu, chị dễ nắm bắt và chủ động hơn trong chuyến tham quan.
Để tạo tiện tích cho du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viễn thông Bình Thuận (VNPT) vừa đưa vào hoạt động Cổng thông tin du lịch thông minh với tên miền https://muinevietnam.vn/ và App binhthuantourism dành cho thiết bị di động. Cổng thông tin du lịch thông minh là kênh thông tin tích hợp tất cả thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch Bình Thuận cũng như những nét đặc trưng riêng của văn hóa, thể thao và du lịch địa phương. Du khách có thể chủ động hơn trong việc lên lịch trình, tìm kiếm địa điểm lưu trú, ẩm thực hay địa điểm du lịch, thời tiết, dịch vụ tiện ích… một cách dễ dàng và tiện lợi nhất trong quá trình đi du lịch thông qua việc quét mã QR code hoặc tải app trên thiết bị di động thông minh.
Thông qua Cổng thông tin du lịch thông minh, cơ quan quản lý có thể thống kê khách, thị phần du lịch, báo cáo doanh nghiệp, thống kê phản hồi, thống kê đánh giá… Đây cũng là kênh hữu ích để xử lý kịp thời các phản ánh của khách du lịch.
Theo ông Bùi Thế Nhân, với Cổng thông tin du lịch thông minh, đơn vị mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch có một giao diện để luôn luôn tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất trong không gian mạng cũng như ngoài thực tế.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV về việc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế…
Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại khu du lịch trọng điểm, trong đó có thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động. 100% khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch. 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực như khu du lịch trọng điểm, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.
Những sáng tạo, đổi mới này cho thấy, ngành du lịch đang dần chuyển mình năng động hơn, bắt nhịp xu hướng thời đại số, tạo tiền đề cho bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, từng bước tiến tới mục tiêu phát triển du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.