CNBC đã miêu tả Mù Cang Chải như một viên ngọc nằm sâu trong các thung lũng được bồi đắp bởi sông Hồng, với nhiều ngôi làng trên núi hòa mình cùng những cánh đồng ruộng bậc thang. Các cánh đồng đẹp như tranh nơi đây là thành quả của hoạt động canh tác nông nghiệp, trong khi những ngọn núi nhấp nhô được phủ đầy những bậc thang màu ngọc lục bảo.
Nhiều thế kỷ trước, tổ tiên của các dân tộc vùng cao phía Bắc của Việt Nam đã tạo ra khu vực nên thơ này để sinh tồn. Không có điều kiện ngập nước lý tưởng như đồng bằng sông Cửu Long, để trồng lúa trong điều kiện đất canh tác là các sườn đồi núi cao, thậm chí có những chỗ thẳng đứng, người dân các dân tộc thiểu số sinh sống ở các bản làng miền núi phía Bắc đã tạo ra một hệ thống bậc thang. Ước tính ruộng bậc thang bao phủ hơn 2.200 hécta đất ở Mù Cang Chải, trong đó 500 hécta được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản quốc gia.
Đến với vùng đất này, bất kỳ du khách nào cũng không nên bỏ qua ba địa danh nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Tại đây, có rất nhiều hoạt động giải trí như đi bộ đường dài, đạp xe và chụp ảnh, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của các dân tộc thiểu số.
Hằng năm, vào mùa lễ hội, Mù Cang Chải thu hút số lượng khách du lịch kỷ lục với lễ hội dù lượn mùa Thu, lễ hội giúp Mù Cang Chải nổi lên như một điểm đến mới cho du lịch mạo hiểm. Các hoạt động phổ biến khác bao gồm vượt qua đèo Khau Phạ, khám phá thác Mơ, thác Pú Nhu. Hầu hết du khách đi du lịch đi đến Mù Cang Chải thì đi bằng tàu hỏa, xe buýt, phương tiện giao thông cá nhân...
Ruộng bậc thang giúp Mù Cang Chải mỗi mùa lại có nét đẹp riêng. Vào mùa xuân, màu lúa xanh tràn trề sinh khí từ những cây con trên mặt nước. Vào tháng hè ấm áp, ruộng bậc thang vẫn trải một màu xanh rực rỡ khắp vùng. Vào mùa thu cũng là mùa thu hoạch, ruộng bậc thang biến thành một biển vàng. Sang cuối mùa đông, những ao nước lung linh treo lơ lửng dọc sườn núi, lặng lẽ chờ một vụ mùa mới sang.
Theo thống kê, Mù Cang Chải đã đón tới 90.000 lượt khách trong năm 2018, cao hơn nhiều so với 20.000 lượt khách trong năm 2015. Do đó, chính quyền địa phương đang tìm cách phát huy và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền, thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch khám phá kết hợp với nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.