Cơ hội mới cho du lịch - Bài 1: Chủ động đổi mới, thích ứng nhanh để phục hồi 

Ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn du lịch, nằm trong chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta mở lại hoạt động giao lưu, giao thương quốc tế của Việt Nam sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Toàn ngành Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp hết sức tích cực, sẵn sàng nhiều hoạt động thiết thực để xúc tiến, quảng bá điểm đến, chuẩn bị sản phẩm phù hợp nhằm đón du khách trong và ngoài nước.

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề “Cơ hội mới cho du lịch” phản ánh tinh thần sẵn sàng của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành... linh hoạt, thích ứng nhanh trước cơ hội phục hồi, phát triển của ngành Du lịch sau thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan chụp ảnh tại cầu Vàng khu du lịch Sun World Ba Na Hills. Ảnh: TTXVN phát

Bài 1: Chủ động đổi mới, thích ứng nhanh để phục hồi và phát triển

Ngay sau khi công bố mở cửa du lịch trở lại hoàn toàn, các hoạt động du lịch đã sôi động trở lại để chào đón khách nội địa; công cuộc quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế đã bắt đầu. Đúng ngày chính thức công bố mở cửa du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới (15/3), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.

Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam cũng đã diễn ra tại Quảng Ninh. Đó là dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi, phát triển của du dịch nước ta trong điều kiện bình thường mới. Các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều bắt tay ngay vào việc chào bán sản phẩm mới, thu hút du khách.

Làm mới sản phẩm, tăng trải nghiệm cho du khách

Tháng 3 ở Hà Nội, thời tiết thường ấm ấp nên nhiều loài hoa, loài cây nở hoa, ra lộc non xanh mướt, làm bừng sáng thêm vẻ đẹp của nhiều con đường, góc phố. Người dân Thủ đô không kể già, trẻ hay gái, trai đều rất thích chụp ảnh với hoa cỏ, thiên nhiên để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của thời kỳ giao mùa.

Nắm bắt được tâm lý người dân, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Công ty lữ hành HaNoitourist phối hợp cho ra mắt tour du lịch “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” với không gian làng trong phố, thu hút rất nhiều du khách Thủ đô tham gia trải nghiệm ngay trong ngày khai trương. Đây là sản phẩm du lịch ra mắt đúng lúc hoa gạo nở rộ để phục vụ nhu cầu check-in của đông đảo người dân, nhất là giới trẻ, thiết thực hưởng ứng sự kiện mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam.

Chia sẻ về sản phẩm này, ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: Đây là sản phẩm hợp tác thứ 2 của hai đơn vị hình thành trên cơ sở thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, bám sát nhu cầu của du khách sau COVID-19. Tour này diễn ra ngay trong khuôn viên Bảo tàng với những sắp đặt, trang trí đơn giản nhưng rất gần gũi, thân quen.

Trong khoảng một giờ tham quan, trải nghiệm, du khách được cảm nhận một không gian “làng trong phố” hiện hữu ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Đây là một sản phẩm phù hợp với du khách trong giai đoạn này, vừa góp phần quảng bá hình ảnh của du lịch Hà Nội và khẳng định sự sẵn sàng của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để đón khách trong thời gian tới.

Ông Lê Hồng Thái cho rằng: Dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen, nhu cầu, hành vi, sở thích của du khách. Do vậy, các đơn vị du lịch, lữ hành phải nắm bắt xu hướng, không thể mang sản phẩm cũ chào bán mà phải nghiên cứu, làm mới điểm đến, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.

Thủ đô Hà Nội đã rất nhanh chóng có hoạt động hưởng ứng sự kiện mở cửa lại hoàn toàn du lịch Việt Nam. Từ ngày 25-27/3, Ngày hội khinh khí cầu "Hà Nội muôn màu"  sẽ diễn ra tại khu vườn nhãn Long Biên, ven sông Hồng (quận Long Biên, Hà Nội). Cũng nhân dịp này, Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu thêm 3 sản phẩm mới: "Bay trải nghiệm với khinh khí cầu ngắm cảnh Hà Nội từ trên cao"; “Đêm hoa đăng khinh khí cầu” và "Khám phá bên trong lòng khinh khí cầu", nhằm tăng thêm trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương trọng điểm du lịch đang tích cực chuẩn bị cho việc đón khách trở lại với quan điểm phải làm mới sản phẩm để tăng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của du khách đã thay đổi nhiều sau thời gian dịch COVID-19.

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình chia sẻ: Vào ngày 27/3, Ngày hội khinh khí cầu “Đà Nẵng chào mừng mở lại đường bay quốc tế” sẽ diễn ra nhằm chào đón chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Đà Nẵng sau một thời gian dài tạm ngưng do dịch COVID-19. Để chuẩn bị tốt hơn cho việc mở cửa du lịch trở lại, Đà Nẵng bám sát phương án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác phòng, chống dịch, xúc tiến các sản phẩm, quảng bá sản phẩm. Thành phố đưa ra 4 trụ cột chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc làm mới sản phẩm để mang lại nhiều chương trình, trải nghiệm có yếu tố bất ngờ cho du khách...

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bốn mùa, tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cùng sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao như du lịch biên giới. Với các sản phẩm truyền thống như nghỉ dưỡng, tắm biển cần được làm mới để tạo sức hút. Dù sở hữu vịnh Hạ Long đã nổi tiếng nhưng  địa phương vẫn cần đưa thêm du lịch trải nghiệm, khám phá, thể thao.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay: Tính mùa vụ là một thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Nhưng Quảng Ninh có thể coi đó là một lợi thế, bởi mỗi mùa địa phương có một vẻ đẹp riêng. Việc phát triển du lịch theo hệ sinh thái sẽ đẩy mạnh các ưu thế và khắc phục nhược điểm mùa vụ. Thay vì tìm cách kéo dài thời gian lưu trú, Quảng Ninh sẽ tạo ra được trải nghiệm riêng cho mỗi mùa, tăng tần suất du lịch của du khách…

Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) năm 2022 từ ngày 31/3 đến ngày 3/4.  Hội chợ với hàng loạt sự kiện không chỉ nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến thông thường mà còn là góp phần khẳng định sự mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới…  Dự kiến, tại hội chợ, các doanh nghiệp du lịch và hàng không sẽ tung ra hơn 10.000 tour du lịch kích cầu; 100.000 vé máy bay giá rẻ; hơn 1.000 quà tặng khác cho công chúng. Các doanh nghiệp còn kích cầu du lịch bằng việc đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Bình thường mới, cơ hội mới

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp: Việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam ngay từ tháng 3/2022 có nhiều thuận lợi khi xu hướng phòng, chống dịch COVID-19 ở trong nước và thế giới đã chuyển dịch. Nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp, coi đây là bệnh đặc hữu, bệnh truyền nhiễm nhóm B, chấm dứt thời kỳ đại dịch. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã có chính sách mở cửa du lịch thuận lợi, thông thoáng; nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới là rất lớn sau thời gian dài giãn cách do dịch COVID-19.

Tuy vậy, không phải cứ mở cửa là đón được khách ngay lập tức, nhất là với du khách quốc tế. Bởi mùa chính vụ khách quốc tế đến nước ta là từ tháng 9 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau. Do đó, mở cửa vào thời điểm này chính là bước đi thích hợp nhất để kết nối thị trường, thu hút khách cho mùa chính vụ. Nếu triển khai mở cửa du lịch chậm hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm có kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định, nội địa là thị trường cần được chú trọng trong giai đoạn tới. Các thị trường quốc tế như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Australia cũng sẽ rất tiềm năng và ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với Việt Nam.

Theo các chuyên gia, du lịch tuy là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất bởi đây là nhu cầu thiết yếu với mọi người dân trên toàn thế giới sau thời gian dài giãn cách. Hậu COVID-19 cũng làm thay đổi nhu cầu của du khách và tạo thành một xu hướng du lịch mới. Du khách sẽ chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn, nhu cầu đối với sản phẩm du lịch ngắn ngày, các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở ngày càng tăng…

Do đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đưa ra một số giải pháp để các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú cũng như các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nói chung có thể khai thác tốt các thị trường tiềm năng trong tiến trình mở cửa du lịch trở lại. Đó là các đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và các hãng Hàng không để tạo ra combo dịch vụ kết nối mở lại thị trường; đảm bảo yếu tố an toàn phòng, chống dịch trong tất cả các cơ sở lưu trú; đầu tư phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch; có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực. Công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông để thu hút thị trường khách phải được quan tâm thực hiện bằng nhiều phương thức thích hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến cũng như năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp…

Chú thích ảnh
 Khu du lịch Tam Đảo Vĩnh Phúc đón nhiều lượt khách thăm quan sau ngày 15/3/2022. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp lưu trú trong năm 2022, là người quản lý doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam nhận định: Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú… cần chuyển dịch trọng tâm định hướng hoạt động, phân bổ nguồn lực, chi phí để khai thác tốt thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp cần triển khai nhiều gói sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp về mảng nghỉ dưỡng tại chỗ; tập trung vào khách lẻ với các chương trình linh hoạt thay vì chỉ phục vụ khách đoàn lớn (trong nước và quốc tế). Đặc biệt các doanh nghiệp cần liên kết với đối tác, công ty cung ứng dịch vụ (vận tải, lữ hành, OTAs…) để xây dựng và bán các combo trọn gói; đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, nhất là trong phân phối sản phẩm trên các nền tảng số; đẩy mạnh bán các sản phẩm vouchers (có hoặc không thời hạn) để tiếp cận được nhiều thị trường khách hàng…

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay: Một ngành kinh tế lớn như du lịch, việc phục hồi không dễ dàng, có rất nhiều việc cần phải làm nhưng quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy. Toàn ngành và những người làm du lịch phải hiểu sâu sắc sắc rằng du lịch đã chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác sau cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19. Do đó, ý thức của người làm du lịch phải thay đổi theo và các hoạt động du lịch phải thể hiện được điều đó mới có thể thành công…

Bài cuối: Chú trọng sản phẩm đêm để tăng mức chi tiêu của khách

Thanh Giang (TTXVN)
Du lịch Hà Nội chào 2022: Quảng bá hình ảnh Thủ đô là điểm đến an toàn, thân thiện
Du lịch Hà Nội chào 2022: Quảng bá hình ảnh Thủ đô là điểm đến an toàn, thân thiện

Theo Sở Du lịch Hà Nội, sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chủ đề “Get on Hanoi 2022” sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/2022, tại khu vực nhà Bát Giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và một số điểm khác với nhiều hoạt động sôi nổi kích hoạt du lịch Thủ đô trong điều kiện “bình thường mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN