Cơm lam - món ăn truyền thống của người Mường Động

Là huyện vùng thấp của tỉnh Hòa Bình, Kim Bôi tập trung chủ yếu là người Mường. Nơi đây có những nét văn hóa rất đặc biệt và đã sớm trở thành tâm điểm chú ý du khách đến tham quan du lịch. Khi đến với vùng đất Mường Động, ngoài việc nghỉ dưỡng, tham quan, du khách còn được thưởng thức hương vị của cơm lam - món ăn truyền thống dân dã.


Theo các cụ già trong Mường thì, trước kia người dân Mường Động, huyện Kim Bôi còn đói khổ thường phải đi rừng, đi nương đào củ sắn, củ mài về ăn nên họ phải đi từ mờ sáng cho tới khi tối lặn mặt trời, thậm chí ngủ lại trong rừng, cho nên người dân phải mang theo lương thực như: Gạo, muối hay muối vừng để ăn.

Do không thể mang theo những vật dụng làm bếp nên người dân đã sáng tạo ra việc dùng ống tre, ống nứa rồi cho gạo vào trong đem nướng trên lửa cho đến khi gạo trong ống chín thành cơm. Khi ăn, cơm có vị ngọt, bùi và hương thơm rất đặc trưng của tre, nứa non nên người dân gọi đó là cơm lam.


Cơm lam là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích.


Nguyên liệu làm cơm lam gồm có gạo nếp (loại nếp cái hoa vàng hay nếp nương), ống tre, nứa hoặc ống hóp được cắt ngắn thành từng đốt có mấu, dài khoảng 20-30cm nhưng phải là loại cây tươi, bánh tẻ, không được già hoặc non quá, vì khi nướng trên lửa ống cơm sẽ bị héo, khô và bị cháy.


Đặc biệt, loại cây bánh tẻ sẽ có nước ở trong từng đốt ống, người ta sử dụng luôn thứ nước đó để nướng cơm thì cơm có vị thơm, ngọt riêng biệt. Gạo được ngâm khoảng 8 - 12 tiếng để cho hạt gạo mềm, dễ chín, sau đó cho vào trong ống rồi nén thật chặt, lấy lõi ngô, lá chuối hoặc mẩu mía nút kín đầu còn lại và đem xếp lên một chiếc kiềng.


Khi nướng phải nướng bằng than củi và xoay đều những ống cơm, nếu thấy mùi thơm từ ống Lam bay ra có nghĩa là cơm đã chín. Sau đó, chẻ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài rồi bóc từng miếng vỏ sao cho vẫn giữ được lớp màng bọc xung quanh, như vậy cơm lam mới thực sự ngon. Cơm có thể ăn với thịt gà, thịt lợn rang băm nhỏ, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng.


Cơm lam mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các gia đình ở Kim Bôi – nơi có các điểm du lịch.

Nhồi gạo vào ống nứa để làm cơm lam.


Trong tập quán của người Mường Hòa Bình nói chung và người dân Mường Động nói riêng, thường thì người đàn ông là người đảm nhận việc chế biến các món ăn trong gia đình, nhưng với món cơm lam ở Mường Động thì cả phụ nữ, đàn ông và trẻ em đều biết làm. Họ làm cơm lam khi đi lao động trên nương, vào rừng kiếm củi, trẻ em thì làm để ăn khi đi chăn trâu.


Ngày nay, khi cuộc sống của người Mường Động đã có nhiều thay đổi, họ không còn làm cơm lam khi đi lao động sản xuất nữa, nhưng không vì thế mà món ăn dân dã từ ngàn xưa bị mai một.


Thay vào đó, cơm lam đã trở thành món ăn thường xuyên trong sinh hoạt của mỗi gia đình. Đồng thời, nó còn mang lại lợi ích về kinh tế cho hàng trăm hộ gia đình trên tuyến điểm tham quan, du lịch và các khu nghỉ dưỡng của huyện Kim Bôi như: Khu du lịch Suối khoáng, Cửu Thác, Thác Mặt Trời, khu Resort…


Đặt các ống nứa chứa gạo nếp để làm cơm lam vào lò nướng.

Lò nướng cơm lam.


Gia đình bà Bùi Thị Diển, một trong những hộ sản xuất cơm lam có tiếng ở xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì, nơi có khu du lịch nước khoáng huyện Kim Bôi cho biết: Từ khi khu nghỉ dưỡng Suối khoáng đi vào hoạt động, lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng ngày càng đông. Gia đình tôi cũng có một cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ ở gần khu du lịch nên mỗi khi du khách đến đặt cơm, tôi thường làm cơm lam - món ăn đặc trưng ẩm thực Mường Động để mời khách thưởng thức, họ ăn thấy ngon và thường mua về làm quà. Khi nhu cầu thưởng thức món cơm lam Mường Động ngày càng nhiều, gia đình tôi đã mở rộng sản xuất. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tôi bán cho du khách trên 200 ống cơm lam, mỗi ống là 5.000 đồng. Ngoài ra, tôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh ăn uống quanh khu vực trong tỉnh và Hà Nội nên thu nhập từ nghề làm cơm lam cũng đem lại nguồn thu cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.


Có thể nói, cơm lam không chỉ làm phong phú cách ẩm thực của người Mường Động mà nó còn góp phần quảng bá văn hóa Mường Hòa Bình nói chung, huyện Kim Bôi nói riêng tới du khách khi đến tham quan du lịch…



Bài và ảnh:Vũ Hà

Những bữa cơm sẻ chia yêu thương
Những bữa cơm sẻ chia yêu thương

“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống từ bao đời nay của dân tộc ta. Những bữa cơm từ thiện miễn phí mà hàng chục tổ chức, nhóm từ thiện đang giúp những người nghèo, sinh viên, bệnh nhân khó khăn... tại TP Hồ Chí Minh đã thể hiện điều đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN