Nếu chỉ nói đến du lịch Côn Đảo như một hướng dẫn viên “thuộc bài”, sẽ không thể nào chạm đến linh hồn của mảnh đất thiêng này, chứ chưa nói đến việc khai thác hiệu quả ưu thế và tiềm năng của nó. Để vùng biển đảo này thực sự chuyển mình, không chỉ là việc gia tăng những tuyến bay mới, những công trình khang trang... mà còn cần đầu tư vào việc “làm du lịch” sáng tạo và đột phá hơn.
Hiện tại Côn Đảo có khá nhiều công ty du lịch tham gia khai thác, trong đó những doanh nghiệp lớn như: Côn Đảo Explorer, Saigon Tourist, Fiditour... và một số doanh nghiệp nước ngoài. Điều đáng nói là dù nhiều đơn vị cùng khai thác như vậy, song các sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, tương tự hoặc sao chép của nhau chứ chưa có sự sáng tạo đặc biệt.
Quanh quẩn thì có tắm biển, viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm nhà ngục cũ... “Biến tấu” hơn thì có lặn biển, đi chợ mua đặc sản hoặc đạp xe quanh đảo... Trong khi đó, việc khai thác sản phẩm “du lịch tâm linh” chưa được đầu tư và tổ chức một cách bài bản.
Thực tế, nhắc đến Côn Đảo, không thể không nói đến quá khứ bi tráng và hào hùng của “113 năm tháp canh và tàu lính” hiện diện, không thể không nhắc đến hệ thống di tích lịch sử và các chứng tích chiến tranh với mật độ dày đặc trên đảo.
Mảnh đất có nhục thân của những con người kiên cường sống và hy sinh vì tổ quốc, trong lòng nhân dân họ đã “hóa thánh”, hiển linh. Những Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh, Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt... và còn biết bao liệt sỹ vô danh, chỉ có một ngôi sao lặng lẽ trên bia...
Không phải ngẫu nhiên mà đại đa số du khách ra đến đây đều tìm đến nghĩa trang Hàng Dương, cũng không phải ngẫu nhiên mà các giai thoại về sự linh thiêng, về những lời cầu xin ứng nghiệm... ngày càng đắp bồi mãi. Chính người dân và du khách làm nó thêm dày lên theo thời gian bởi tấm lòng thành kính của mình.
Theo các chuyên gia, gần đây, mô hình “Du lịch tín ngưỡng”, “Du lịch tâm linh” đã phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp phối hợp với địa phương tổ chức kinh doanh theo mô hình này, kết hợp khá bài bản giữa hành hương - du lịch - lưu trú và bán quà lưu niệm. Với lợi thế của mình, phải chăng Côn Đảo nên tìm những đối tác và hình thức hợp tác phù hợp để khai thác hết những tiềm năng sẵn có?
Nhà tù Côn Đảo, những địa điểm du khách không thể bỏ qua. |
Được biết, gần đây Côn Đảo bắt đầu triển khai nhiều công trình văn hóa - du lịch nhằm tạo thêm sản phẩm thu hút du khách. Chẳng hạn như bố trí phòng chiếu phim chuyên chiếu phim tư liệu, phóng sự về cảnh quan, con người, tiềm năng Côn Đảo, phát hành các ấn phẩm giới thiệu... và sắp tới là đặt kiốt thông tin trước các di tích phục vụ việc tra cứu thông tin cho du khách...
Ngoài ra, một dự án khác cũng có kế hoạch đưa Bảo tàng Côn Đảo, đền thờ Côn Đảo và nghĩa trang Hàng Dương vào một quần thể điểm đến liên hoàn phục vụ du khách tham quan. Theo đó, du khách sẽ được tham dự màn tái hiện mô phỏng quá trình vượt ngục trong bão tố của các chiến sĩ cách mạng năm xưa; tham quan khu trưng bày mô hình nhà tù và các tư liệu hiện vật theo chủ đề; và cuối cùng là quay về viếng nghĩa trang Hàng Dương.
Tuy nhiên, có thể thấy, độ hấp dẫn và việc quản lý, khai thác các sản phẩm du lịch này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như: tài chính, nguồn hiện vật và trình độ nhân lực... trong việc bảo quản, trưng bày, hướng dẫn viên...
Bài: Song Hà; Ảnh: Đoàn Khuyên