Năm 2018, Cao Bằng đón nhận nhiều tin vui khi Công viên Non Nước được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu; khu du lịch thác Bản Dốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể cho phép xây dựng thành khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia; Khu di tích lịch sử chiến thắng Đông Khê được công nhận là khu di tích đặc biệt cấp quốc gia… Những sự kiện đó đã giúp ngành du lịch Cao Bằng có có thêm động lực mạnh mẽ để phát triển.
Năm 2018, lần đầu tiên Cao Bằng đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 30% và tổng doanh thu từ du lịch đạt 360 tỷ đồng, tăng 90% so với năm trước.
Theo đó, Cao Bằng có tiềm năng hết sức to lớn để phát triển du lịch. Nằm trên vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có những dãy núi hùng vĩ, trùng điệp, sông xanh nước biếc, phong cảnh đẹp tươi đến kỳ lạ. Chẳng thế mà ca dao có câu: “Cao Bằng gạo trắng nước trong, ai đi đến đó đừng mong ngày về”. Nhiều chàng trai miền xuôi khi đặt chân lên mảnh đất này đã chìm đắm trong cảnh sắc thần tiên và sự thân thiện mến khách của đồng bào dân tộc nơi đây, ở lại xe tơ kết tóc với người con gái Cao Bằng để cùng lập nghiệp xây dựng vùng đất này.
Không chỉ là nơi có thiên nhiên ưu đãi, vùng đất này còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của 8 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô lô, Kinh, Hoa). Ngoài ra, ở đây còn có những ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn thơ mộng; những trang phục, điệu múa, làn điệu dân ca; những món ăn đặc trưng miền núi đậm đà hương vị núi rừng sẽ là chất xúc tác cho du khách khám phá vùng đất biên cương Cao Bằng.
Cao Bằng vốn là vùng đất cổ, một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, Thục Chế (cha của Thục Phán An Dương Vương) lập nên nước Nam Cương, xây dựng thành Bản Phủ (nguyên mẫu của thành Cổ Loa). Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, vùng đất này đã chứng kiến và ghi dấu ấn đậm nét của những triều đại phong kiến Việt Nam hay lịch sử cách mạng hào hùng. Vì thế, Cao Bằng có tới 214 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 khu di tích đặc biệt cấp quốc gia (Khu di tích Pác Bó, Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích lịch sử chiến thắng Đông Khê).
Với người Việt Nam, khái niệm du lịch địa chất còn mới lạ nhưng với nhiều du khách quốc tế, đây là loại hình du lịch đã có từ lâu, rất hấp dẫn. Cao Bằng có một hệ cấu tạo địa chất rất đặc biệt, mang giá trị lịch sử khoảng 500 triệu năm của trái đất với nhiều dấu tích còn lưu lại ở đây, đó là các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản; đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, hang động… Nhờ sự phát hiện của các nhà khoa học, năm 2015, Cao Bằng đã xây dựng hồ sơ trình tổ chức Khoa học và Giáo dục Quốc tế UNESCO, đến năm 2018, sau nhiều lần thẩm định, đánh giá khắt khe, UNESCO đã chính thức công nhận Công viên Non nước Cao Bằng đầy đủ tiêu chí trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2 trải dài trên địa bàn 9 huyện của tỉnh. Các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng, như các tháp đá nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm, phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới phía Bắc Việt Nam. Thêm vào đó, rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành trong khu vực, tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài khoảng 500 triệu năm ở vùng đất này.
Trong khu vực của Công viên địa chất có chứa nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, quần thể hồ Thang Hen, khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng Sầm Việt An, với tiềm năng to lớn, Cao Bằng có thể khai khác các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; du lịch tâm linh, đến các ngôi chùa nổi tiếng như Trúc Lâm Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng, Chùa Kỳ Sầm…; du lịch mạo hiểm với các hoạt động như leo núi, đạp xe địa hình, đi xe moto địa hình, chèo thuyền Kazac; du lịch trải nghiệm, khám phá (trecking); du lịch sinh thái; du lịch địa chất, khám phá công viên địa chất toàn cầu…
Tuy nhiên, ngành Du lịch Cao Bằng hiện vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Đó là tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa có đường cao tốc, sân bay và hệ thống giao thông nội vùng từ trung tâm tỉnh đến các điểm du lịch và nối các điểm du lịch với nhau cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu của khách; các dịch vụ du lịch chưa phát triển, nguồn nhân lực cho du lịch còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế trên, Cao Bằng đang có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, du lịch. Tỉnh đề xuất Chính phủ cho cơ chế đặc thù để hợp tác phát triển du lịch với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách quốc tế đến tham quan du lịch các khu vực biên giới. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu đầu tư vào du lịch Cao Bằng; tuyến đường cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn sắp được thi công.
Hy vọng, với nhiều nỗ lực, Cao Bằng sẽ "đánh thức" tiềm năng du lịch của tỉnh. Nhiều người vẫn ví von vẻ đẹp của Cao Bằng như một nàng công chúa xinh đẹp đang ngủ say trong rừng. Một ngày kia, công chúa sẽ thức giấc, trở nên xinh đẹp và lộng lẫy.