Đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị du lịch biển Cửa Lò

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua chủ trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thị xã Cửa Lò giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh
Du khách tắm mát và nghỉ dưỡng tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh minh họa: Tá Chuyên/TTXVN

Việc đề ra cơ chế, chính sách đặc thù cho thị xã Cửa Lò nhằm huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương để tập trung thực hiện các dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã; đồng thời giải quyết vấn đề tồn tại của địa phương trong công tác quản lý hệ thống hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường, chống xuống cấp đô thị, tác động của thiên tai… Từ đó, tạo điều kiện tốt nhất đẩy nhanh tốc độ phát triển thị xã Cửa Lò thời gian tới, nâng cao tầm ảnh hưởng sức lan tỏa trong tỉnh, xứng đáng hơn nữa với vai trò, vị thế là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trung tâm du lịch tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo đó, đối với các dự án bất động sản trên địa bàn thị xã, tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho ngân sách tỉnh là 50%, ngân sách thị xã 40%, ngân sách phường 10%. Đối với tiền sử dụng đất từ đấu giá, giao đất, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thị xã là 90% và ngân sách phường 10%. 

Với cơ chế, chính sách đặc thù trên, ngân sách thị xã được hưởng theo tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất sẽ được tăng lên. Đơn cử, năm 2020, thu tiền sử dụng đất thực hiện của thị xã là 125 tỷ đồng, nếu áp dụng theo tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nêu trên, ngân sách thị xã sẽ được hưởng là 112,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thị xã còn được hỗ trợ 3.000 tấn xi măng/năm nâng cấp, xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, khu dân cư kiểu mẫu và được bố trí chi sự nghiệp hạ tầng thị chính, môi trường cùng nguồn hỗ trợ khác 100 tỷ đồng/năm để thực hiện công tác cứu hộ, cấp cứu biển, lễ hội du lịch, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh…

UBND thị xã Cửa Lò cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; Quyết định số 2355/QĐ - TTg, ngày 25/12/2014 về việc công nhận đô thị du lịch biển Cửa Lò và các Nghị quyết của Tỉnh ủy Nghệ An, kinh tế - xã hội của thị xã giữ ổn định và phát triển. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 đạt 13,8%; thu ngân sách nhà nước tăng trưởng khá và ổn định; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ; một số công trình, dự án lớn được triển khai. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra, đặc biệt du lịch thị xã Cửa Lò vẫn mang tính chất mùa vụ, thiếu các loại hình vui chơi giải trí chất lượng cao. Nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn khiêm tốn, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu do văn bản của Trung ương, của tỉnh chưa được cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách. Nguồn lực đầu tư cho thị xã còn hạn chế, vốn đầu tư toàn xã hội thấp. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 54,167km đường và 61,4km mương các khối cần được đầu tư, chỉnh trang. Thị xã Cửa Lò là đơn vị không nằm trong các huyện, thành, thị được hưởng chính sách hỗ trợ xi măng trong chương trình nông thôn mới, thực tế nhu cầu xi măng hàng năm thị xã cần phục vụ nâng cấp, xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, khu dân cư kiểu mẫu là 3.000 tấn/năm.

UBND thị xã Cửa Lò cho biết, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trên sẽ có tác động cụ thể, đó là thị xã, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn được hưởng lợi trực tiếp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân để thực hiện tốt cơ chế, chính sách. Mặt khác, khuyến khích việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội để xây dựng Cửa Lò phát triển toàn diện, vững chắc, văn minh, hiện đại, là trung tâm du lịch, dịch vụ, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Chuyển hướng để phục hồi du lịch - Bài cuối: Liên kết vùng miền
Chuyển hướng để phục hồi du lịch - Bài cuối: Liên kết vùng miền

Cùng với nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách thì tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành, doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm mà ngành du lịch Nghệ An đã và đang triển khai nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN