Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet vừa bình chọn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam là một trong 10 điểm đến giá trị nhất trong năm 2012 (Top 10 best value destinations for 2012) và đưa ra lời khuyên du khách hãy tự mình khám phá vùng đất này bởi những trải nghiệm thú vị và bổ ích. Quả thật, với những nét đặc trưng đặc sắc của mình, ĐBSCL là điểm du lịch rất hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh này như thế nào vẫn còn phải tiếp tục bàn...
Sản phẩm còn ít và đơn điệu
ĐBSCL với khí hậu ôn hòa có thể kinh doanh du lịch suốt 12 tháng trong năm và mang đặc trưng vùng sông nước nhiệt đới điển hình. Nhưng do tiềm năng này chưa phát huy nên đến nay sản phẩm du lịch ĐBSCL vẫn rất đơn điệu, trùng lặp...
Khách quốc tế đi tàu từ Hà Tiên (Kiên Giang) ra đảo Phú Quốc. |
Anh Trường Giang, một du khách Hà Nội nhận xét: Là người ngoài Bắc, tôi ước mong được đi du lịch ĐBSCL. Hình ảnh ấn tượng của vùng này với tôi chủ yếu qua phim ảnh. Tuy nhiên khi tìm tour cụ thể hoặc những hướng dẫn chi tiết về điểm đến thì rất thiếu.
Quả vậy, thông tin chi tiết về các điểm du lịch tại ĐBSCL hiện không nhiều. Thông thường, Sở VH,TT&DL quảng bá hình ảnh điểm đến tại địa phương và sản phẩm du lịch cụ thể do doanh nghiệp du lịch địa phương thiết kế, nhưng cả hai mảng này đều đang rất yếu. Việc quảng bá tour, tuyến điểm du lịch chủ yếu vẫn do một số doanh nghiệp lữ hành lớn tại TP.HCM và Hà Nội triển khai.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Vietravel cho biết: Xét về tâm lý, người miền Nam thích ra Bắc du lịch và ngược lại người miền Bắc thích vào Nam. Lợi thế của ĐBSCL là hệ sinh thái vườn mang nét đặc trưng, trái cây quanh năm với nhiều khu vườn chuyên canh, bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm... ở nhiều tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Bên cạnh đó còn có sự đan xen những giá trị văn hóa độc đáo của vùng Tây Nam bộ như nghệ thuật ca tài tử, những ngôi nhà Nam bộ cổ..
Tuy nhiên khảo sát các tour du lịch mà các doanh nghiệp lữ hành triển khai bán hiện nay có thể thấy chủ yếu là tour đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Châu Đốc, Hà Tiên và ra Phú Quốc; còn tour đi hướng Cà Mau chỉ triển khai khi có đoàn khách yêu cầu. Đó cũng là lý do mà Lonely Planet “tư vấn” khách nên tự đi tìm hiểu kiểu du lịch bụi nếu muốn khám phá vùng ĐBSCL của Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân chưa hấp dẫn du khách và số lượng du khách đến ĐBSCL còn khiêm tốn so với các miền của đất nước là do sản phẩm du lịch nơi đây còn đơn điệu và trùng lặp. Đại diện CLB Lữ hành Hà Nội nhận xét: Hầu hết các tour do các doanh nghiệp ở tỉnh ĐBSCL chào bán có một điểm chung là du lịch sông nước, du lịch miệt vườn và nghe đờn ca tài tử, nên nhiều khi đến một địa phương là cũng coi như đến cả vùng rồi.
Liên kết để quảng bá điểm đến là cần thiết, nhưng trong cái chung phải tìm được cái riêng để tạo tính hấp dẫn. Động thái này đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đưa ra và đã có sự phối hợp với các Sở VH,TT&DL trong khu vực để bình chọn sản phẩm đặc trưng cho mỗi địa phương, nhằm quảng bá cho du khách. Tuy nhiên, tất cả vẫn mới chỉ là kế hoạch.
“Điều kiện tự nhiên ĐBSCL chi phối tính đồng dạng, trùng lặp của sản phẩm du lịch. Nhưng làm du lịch phải có tính sáng tạo mới hấp dẫn khách. Dịch vụ hiện tại mới chỉ đem lại cảm giác như đã được đặt chân đến vùng đất mới, còn để khách quay lại thì hơi khó”, đại diện CLB Lữ hành Hà Nội cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel: Nếu xét về góc độ địa lý và thổ nhưỡng, thì ĐBSCL có nét văn hóa chung là vườn cây, sông nước, chợ nổi... Nhưng nếu phân tích sâu ở khía cạnh văn hóa, mỗi nơi có một nét đặc trưng riêng. Các tỉnh Vĩnh Long - Tiền Giang và Cần Thơ có hệ sinh thái vườn, hệ thống nhà cổ và các di tích gắn liền với lịch sử thời nhà Nguyễn. Tỉnh Long An, Đồng Tháp có dấu ấn của giá trị văn hóa cổ qua các di tích Gò Ô Chùa (Long An), Gò Tháp (Đồng Tháp). Sóc Trăng có nét đặc trưng của văn hóa Khmer Nam bộ gồm Bảo tàng Khmer Nam bộ, các chùa nổi tiếng như Chùa Dơi, chùa Đất Sét... Các làng nghề như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng dệt lụa Tân Châu, làng bè (An Giang), làng làm kẹo (Tiền Giang)... cùng hàng loạt các lễ hội mang nét văn hóa Nam bộ như đua ghe ngo (Sóc Trăng), đua bò (An Giang). Vấn đề là phải biết kết hợp quảng bá và khai thác hiệu quả sản phẩm văn hóa này.
Như vậy, tiềm năng, lợi thế du lịch ĐBSCL đã có, vấn đề còn lại là các tỉnh xây dựng được sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương, để không trùng lặp và đơn điệu, tạo ra sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách. Muốn làm được điều này, ngoài cơ chế chính sách của chính quyền địa phương, ngành chức năng, cần có sự đầu tư của doanh nghiệp tạo thành những khu du lịch quy mô lớn để làm tâm điểm hút khách, góp phần phát triển du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xóa đói giảm nghèo ở nơi đây.
Xuân Minh