Tuy nhiên, để loại hình du lịch này bám rễ vào nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển bền vững thì cần có sự đồng thuận của cộng đồng, cộng đồng được hưởng lợi. Hướng đi bền vững này đang là sự lựa chọn của các tỉnh Quảng Nam, Huế, Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng.
Khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên
Tỉnh Quảng Trị có 75 km đường bờ biển; trong đó có nhiều bãi biển đẹp cùng với đảo Cồn Cỏ thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Các bãi biển như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Mũi Trèo… có sức hút với nhà đầu tư bởi hầu như còn hoang sơ. Du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch thu hút được nhiều khách nhất đến với Quảng Trị, nhất là tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đưa tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ vào điểm du lịch quốc gia.
Trong khi đó, những năm gần đây, đảo Cồn Cỏ trở thành điểm đến của du khách ưu thích du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Cồn Cỏ có diện tích 2,3 km2, cách Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 17 hải lý. Đảo nằm ở cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ nên được ví như "mắt thần" hay "vọng gác tiền tiêu".
Ngay từ khi cập cảng đảo Cồn Cỏ, du khách có thể sải bước dọc bờ biển, nơi có thềm đá bazan rất độc đáo bởi hình thù đa dạng và bắt mắt. Ven biển Cồn Cỏ có nhiều bãi tắm hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp và cát trắng. Với cảnh quan như vậy, bãi biển Cồn Cỏ là nơi rất lý tưởng để tắm biển hoặc câu cá. Nằm sâu dưới vùng biển này còn có những rạn san hô, được đánh giá là một trong những rạn san hô tốt nhất Việt Nam, trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm, phân bố với mật độ dày đặc, màu sắc đẹp.
Cồn Cỏ còn được phủ xanh phần lớn diện tích bởi rừng nguyên sinh, chiếm đến 70% tổng diện tích đảo với thảm thực vật phong phú. Hệ thống chứng tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở Cồn Cỏ gồm giao thông hào, địa đạo dọc ngang dài hàng nghìn mét cùng các địa danh đã đi vào lịch sử như các điểm cao 63, 37... Từ cuối tháng 8/2018, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đưa vào sử dụng tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ; qua đó giúp rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ từ 2 giờ xuống còn 45 phút, nhằm phục vụ du khách đến đảo để nghỉ dưỡng, lặn biển, câu cá.
Tỉnh Quảng Trị đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cồn Cỏ để phục vụ khách du lịch trên tuyến đầu cầu Hành lang kinh tế Đông-Tây; đồng thời đầu tư đóng mới đội tàu du lịch để kết nối đất liền với đảo, chú trọng phát triển các loại hình du lịch như lặn biển ngắm san hô, tham quan khu rừng đặc dụng và các loài sinh vật cảnh đặc trưng. Cồn Cỏ cũng được kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành "tam giác" du lịch biển, qua đó đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương.
Bên cạnh du lịch di sản, Thừa Thiên – Huế còn đang sở hữu một "kho báu tự nhiên" là Vườn Quốc gia Bạch Mã, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, vịnh Lăng Cô, dòng sông Hương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Sao La…
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, du lịch xanh là những hình thức du lịch mang tính bền vững, thể hiện qua việc bảo tồn giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên cũng như sự thân thiện của cộng đồng địa phương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều lợi thế và còn nhiều dư địa để hình thành các sản phẩm mang tiêu chí của du lịch xanh.
Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng như khám phá nhà vườn truyền thống ở Kim Long, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn, khám phá các làng chài ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các ngôi làng truyền thống của đồng bào dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới.
Mô hình du lịch cộng đồng ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy có nhiều hoạt động sáng tạo giúp du khách có những trải nghiệm mới về đời sống của người dân địa phương như tái hiện hoạt động chợ quê, các trò chơi dân gian, trải nghiệm làm nón lá, thưởng thức hương vị ẩm thực đậm chất quê của xứ Huế.
Thành phố Huế hiện là đô thị có mật độ cây xanh cao và đã được vinh danh là "Thành phố bền vững về môi trường ASEAN". Hai bên bờ sông Hương ở trung tâm thành phố Huế đã được chỉnh trang lại trở thành công viên mở, tạo ra không gian du lịch mới, điểm đến lý tưởng để người dân và du khách có thể dạo bước ngắm nhìn dòng sông di sản nằm trước mặt Kinh thành Huế.
Thời gian qua, Sở du lịch Thừa Thiên – Huế đã thực hiện nhiều tour du lịch xanh sử dụng xe điện, xe xích lô hay xe đạp để thăm quan các điểm di tích, thăm những bối cảnh phim trường, cùng với việc giới thiệu và vận động du khách mặc áo dài truyền thống. Trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2021, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giành giải Khách sạn xanh ASEAN và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giành giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững thành thị với sản phẩm tham quan thành phố Huế - 1 điểm đến 5 di sản.
Để khai thác bền vững tiềm năng du lịch biển, du lịch sinh thái, Bí thư Thành ủy thành phố Hội An Trần Ánh tự tin: Hiếm nơi nào như Hội An, vừa có đô thị cổ là Di sản Văn hóa thế giới, vừa cận kề sông nước, biển và hải đảo. Hệ thống kênh rạch chằng chịt, bao bọc và phân cắt địa hình, tạo nên những vùng sinh thái đan xen với các làng nghề truyền thống. Biển đảo Cù lao Chàm gắn liền với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là một minh chứng rõ nét về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, là "tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu" như nhận định của UNESCO. Do đó, bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên biển đảo gắn với phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững, du lịch xanh đã, đang và sẽ là sự lựa chọn của Hội An.
Chia sẻ lợi ích với cộng đồng
Phát triển du lịch xanh với kỳ vọng đa dạng sản phẩm du lịch trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, hài hòa với thiên nhiên là hướng đi đầy triển vọng của tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển bền vững cần có sự đồng thuận của cộng đồng, cộng đồng được hưởng lợi.
Lấy điển hình từ các mô hình cộng đồng cùng chính quyền bảo vệ môi trường, xây dựng sản phẩm du lịch, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ "Từ chỗ sinh kế khá bấp bênh, người dân thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp đã kiểm soát tốt mọi hoạt động trong nuôi trồng, khai thác hải sản và phát triển dịch vụ du lịch thông qua làm tiểu khu quản lý bảo tồn biển cho cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác và phát triển sinh kế song hành với các mục tiêu của khu bảo tồn biển. Sau gần mười năm hoạt động, mô hình đã đáp ứng được sự mong đợi của chính quyền và khu bảo tồn biển.
Một trong những sản phẩm du lịch độc đáo là phục hồi rạn san hô để phục vụ nhu cầu lặn biển của du khách, nhất là khách quốc tế. Trong mô hình này, người dân xã đảo Tân Hiệp đã làm chủ công nghệ, hỗ trợ khu bảo tồn biển xây dựng các khu vườn ươm, phục hồi hàng chục nghìn tập đoàn san hô cứng, làm chỗ trú ẩn cho nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trú ngụ và phát triển nhanh. Trước khi dịch COVID-19 ập đến, những mô hình này góp phần đưa thu nhập của người dân thôn Bãi Hương đạt gần 53 triệu đồng/người/năm", Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Phát triển du lịch sinh thái xanh kết hợp bảo vệ môi trường và thiên nhiên là hướng phát triển tất yếu đang được thành phố Đà Nẵng hướng đến. Tại Khu Du lịch Suối Hoa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), người dân đã chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng, thành lập Làng du lịch cộng đồng văn hóa mang tên Toom Sara Fest để hỗ trợ, giúp người Cơ Tu làm du lịch sinh thái cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên.
Ông Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc Khu Du lịch Suối Hoa cho biết, "Khu Du lịch sẽ phát triển theo hướng "trả suối về với tự nhiên", những cánh rừng tràm sẽ được thay thế bằng rừng lâu năm, nhà bê tông cốt thép được thay bằng nhà tranh vách nứa, cây xanh sẽ được trồng nhiều hơn, môi trường sinh thái sẽ được giữ gìn, bảo vệ đảm bảo phát triển cùng với du lịch tốt hơn".
Theo ông Huỳnh Tấn Pháp, không ai làm du lịch xanh tốt hơn chính những người dân tại địa phương, Dự án xây dựng, lập làng văn hóa Toom Sara Fest đã ra đời từ đầu năm 2020 để mời những người Cơ tu của huyện Hòa Vang và các huyện Đông Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam về sinh sống và làm du lịch cộng đồng. Dự án nhằm giúp người Cơ tu tự làm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống của mình.
Hiện tại, Làng du lịch cộng đồng Toom Sara Fest có khoảng 30 người Cơ tu sinh sống, làm du lịch và trở thành cộng đồng người Cơ tu làm du lịch đầu tiên tại đây. Những nghệ nhân Cơ tu biết nghề đã truyền, dạy nghề điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm cho các thành viên trong làng để giúp những người Cơ tu khác tự làm ra các sản phẩm tượng gỗ, váy áo, khăn, ví, túi xách dệt thổ cẩm bán cho du khách. Bên cạnh đó, Làng đã tái hiện lại được các phong tục truyền thống của đồng bào Cơ tu như: tục "Đi Sim", các nghi lễ trong đám cưới, nói lý, hát lý, thành lập các đội biểu diễn múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng… để phục vụ du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, các mô hình du lịch cộng đồng sinh thái đã góp phần làm đa dạng thêm cho ngành Du lịch của Đà Nẵng. Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa truyền thống, du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh (du lịch sinh thái rừng, biển, nông nghiệp, nông thôn); du lịch tìm về chính mình (du lịch trải nghiệm) sẽ là những loại hình phù hợp với thời kỳ hậu COVID-19.
Bài cuối: Làm mới sản phẩm và liên kết trong du lịch